Đau đớn số phận những thiếu nữ bị mua bán làm vợ người

23/04/2018 - 14:22
Theo Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), kinh doanh cô dâu mang lại thu nhập hấp dẫn nên nạn cô dâu bị bán ngày càng tăng ở bang Haryana, Punjab và Uttar Pradesh - nơi tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất trong cả nước Ấn Độ.
Sóng gió ập đến với những trẻ em gái
Nhiều người dân địa phương đã trở thành người môi giới, tìm nguồn “cung cấp” phụ nữ cho các gia đình có nhu cầu. Đã có 33.855 phụ nữ, thiếu nữ và trẻ em gái đã bị bắt cóc hoặc bị bán vì mục đích kết hôn, trong đó một nửa là dưới 18 tuổi.
a1-tahmina-va-me.jpg
Tahmina và mẹ

Em Tahmina (13 tuổi) bị chị gái bán cho một người đàn ông gần 30 tuổi. Rất may, em đã được một tổ chức từ thiện chống buôn người cứu thoát. Bà Pul, mẹ của Tahmina, đã phải vượt 2.000km từ nhà ở Assam, phía Đông Bắc Ấn Độ tới một bang khác, nơi Tahmina đang chờ đợi.

Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau và khóc vì cả hai đã nghĩ họ sẽ không bao giờ được gặp lại nhau. Theo lời kể của bà Pul, 6 tuần trước, Tahmina đi cùng với chị gái và anh rể đến New Delhi để xin việc. Tuy nhiên, Tahmina bị anh chị đưa đến một ngôi làng xa xôi ở Haryana và bị bán để làm vợ một người đàn ông gần 30 tuổi với giá 50.000 ruppee.
Tại một ngôi nhà an toàn do Empower People (một tổ chức từ thiện chống buôn người) điều hành, Tahmina đã vẽ lại những gì em đã trải qua. Thế nhưng, khi trở về Assam, cha em từ chối không cho em ở cùng nhà. Nhờ có mẹ và anh trai, em được đưa tới sống cùng với bà ngoại nhưng cuộc hôn nhân ngắn ngủi vẫn là một bóng đen trong cuộc sống của bé gái này.
Chỉ vài người như Tahmina gặp may khi được cứu, còn ở vùng Tây Bắc Ấn Độ, hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái đã bị xô đẩy vào vòng xoáy làm nô lệ tình dục hoặc làm vợ của những kẻ đã mua mình. Cô Sanjida đã sống tại quận Mewat của Haryana trong suốt 15 năm qua trong vai trò một người vợ.
Cô bỏ nhà ở Assam khi mới 16 tuổi vì tin tưởng vào lời hứa hẹn làm người giữ trẻ ở Delhi. Nhưng thay vào đó, cô được đưa đến Mewat và được bán cho Mubin với giá 10.000 ruppee. Sajinda làm việc như những kẻ nô lệ.
a2-sanjida-1.jpg
Cô Sanjida cùng 2 trong 4 con của mình

 Trong một ngôi làng gần đó, Saeeda vừa ôm con gái út của mình vừa thuật lại việc cô với chị gái cô đã bị đưa đến Haryana cách đây 20 năm như thế nào. “Tôi chỉ biết rằng tôi đã đến Haryana khi mới 11 tuổi. Tôi được đưa đến đây cùng với chị gái nhưng tôi không nhìn thấy chị ấy từ khi chúng tôi đến”. Saeeda bị bán cho Azim, một người đàn ông góa vợ có 6 người con. Saeeda đã bị chồng và gia đình chồng đánh đập thậm tệ.

 
Những mảnh đời nô lệ
Phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán trong hôn nhân thường phải đối mặt với một cuộc sống khốn cùng về tình trạng nô lệ trong gia đình. Câu chuyện của Sahiba là một ví dụ. Cô bị bán khi mới 16 tuổi. Khi đó, một người họ hàng xa đến nhà và nói với gia đình cô ở Assam rằng, ông có thể đem đến cho cô một cuộc sống tốt.
Ông ta đưa cô đi, hãm hiếp cô 2 lần và cuối cùng bán cô cho một gia đình ở Palwal, Haryana cách thủ đô Delhi 60 km. “Khi biết chồng là người bị bệnh tâm thần, tôi quyết định chạy trốn. Khi tôi từ chối ngủ với chồng mới, tôi đã bị đánh đập và tấn công bằng dao”, Sahiba nhớ lại.
Cuộc đời Farida cũng khốn cùng không kém. 20 năm trước, khi mới 11 tuổi, Farida bị bán cho người đàn ông 70 tuổi. Trải nghiệm hôn nhân đầu tiên của cô là bị hãm hiếp và bạo lực.
Cô đã sinh 7 người con liền sau đó. “Cuộc sống giống như địa ngục. Ngay sau ngày bị chồng bạo lực tình dục, tôi phải thức dậy sớm để nấu ăn cho hàng chục người vào sáng hôm sau. Đau đớn nhất là những đứa con được gia đình nhà chồng dạy cách căm ghét tôi”, Farida nói.
Shafiq R Khan, người sáng lập và là Chủ tịch tổ chức Empower People nhận định: “Những phụ nữ bị bán về cơ bản là sống hai cuộc đời nô lệ: Họ phải phục dịch từ 10 đến 12 người đàn ông, lao động quần quật không ngơi nghỉ từ sáng đến tối mịt ngoài đồng ruộng. Có người sau khi chồng cô ấy mất, họ bị mua đi bán lại nhiều lần”.
Nguyên nhân của tình trạng này là do tỷ lệ chênh lệch nam nữ ở đây cao tới mức đáng ngại. Không cưới nổi vợ, những người đàn ông mua phụ nữ từ những bang khác, có những phụ nữ bị lừa bán, nhưng không hiếm trường hợp bị ép buộc bằng vũ lực. Có người còn bị chính gia đình của mình bán đi với giá rẻ mạt.
 

Theo thống kê của Liên hợp quốc, Ấn Độ có số người bị bán làm nô lệ cao nhất Nam Á, trong số đó 75% là phụ nữ. Một khi rơi vào tay bọn buôn người, tương lai của những phụ nữ này là những ngày lao động phục dịch, thậm chí họ còn bị cưỡng ép làm gái mại dâm.

Họ là những nô lệ của thế kỉ 21. Trong nhiều thập kỷ qua, buôn bán cô dâu đã trở thành ngành dịch vụ phát triển ở các bang Haryana, Punjab và Rajasthan của Ấn Độ. Kết quả một cuộc khảo sát do Đại học Queens (Ontario, Canada) tiến hành cho thấy, phụ nữ bị dụ dỗ hoặc ép buộc hôn nhân ở 1.300 ngôi làng thuộc bang Haryana và Rajasthan đã tăng 30% trong 3 năm qua.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm