pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đấu giá đất tại Thanh Oai: Mới chỉ có 13 thửa đất trúng đấu giá thấp được nộp tiền
Chỉ 13 lô đất trúng đấu giá ở Thanh Oai nộp tiền đúng hạn. Ảnh minh họa
Chỉ 13/68 lô đất nộp tiền
Ngày 10/8 vừa qua, huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao. Các lô đất có diện tích từ 60m2 đến 85m2, với giá khởi điểm từ 8,6 triệu đồng/m2 đến 12,5 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá đã có hơn 4.000 hồ sơ đủ điều kiện tham gia đấu giá. Mức giá trúng đấu giá thấp nhất là 51,6 triệu đồng/m2, cao nhất là 100,5 triệu đồng/m2.
Đến thời hạn nộp tiền, theo thông tin từ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai, mới chỉ có 13 lô đất nộp đủ tiền. Các lô đất nộp tiền đều là những lô đất có mức trúng đấu giá thấp. Lô đất trúng đấu giá cao nhất, người đấu giá chưa nộp tiền.
Theo quy định của đấu giá đất, đến thời hạn nộp tiền, người trúng đấu giá không thực hiện nộp tiền sẽ bị mất tiền cọc. Cũng theo các quy định về đấu giá đất, sau thời hạn 120 ngày nếu người trúng không nộp tiền mới có thể hủy kết quả đấu giá và tổ chức đấu giá lại. Huyện Thanh Oai sẽ phải đấu giá lại 55 lô đất này.
Mới đây, huyện Thanh Oai đã tạm dừng tổ chức cuộc đấu giá 114 thửa đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Với việc tạm dừng đấu giá, đấu giá xong bỏ cọc, rất nhiều các lô đất ở huyện Thanh Oai sẽ tạm thời trong tình trạng bỏ không sau khi đã được xây dựng hạ tầng.
Việc "bỏ cọc" đã được dự báo trước
Ngay sau khi phiên đấu giá đất tại xã Thanh Cao diễn ra, với mức giá được đẩy lên cao, 1 "nhà đầu tư" chuyên đấu giá đất đã đưa ra nhận định: "Đấu giá đất giờ đây là cuộc chơi của những đội nhóm nhưng ngày càng khó khăn. Sau những biến động của thị trường, đất nền vùng ven nóng sốt, nhiều người nhảy vào đấu giá, hầu hết đều nhằm mục đích lướt cọc ăn chênh. Quá đông người đấu giá, mức giá được đẩy lên quá cao, nên việc bán ăn chênh ngày càng khó".
Tại khu đất được tiến hành đấu giá, ngay khi cuộc đấu giá còn đang diễn ra và sau đó, hình ảnh một số nhóm môi giới dựng lều bạt để "tư vấn đất đấu giá" thường diễn ra. Với kinh nghiệm đi đấu giá nhiều, sau khi quan sát việc "dỡ lều về sớm" của môi giới, nhà đầu tư này đã dự đoán việc bỏ cọc hàng loạt lô đất sẽ diễn ra, thậm chí còn khẳng định chắc chắn "lô trúng hơn trăm triệu sẽ bỏ cọc" và thực tế đã đúng như vậy.
Quan sát trên một số "chợ bất động sản online" sau phiên đấu giá, những lô đất có mức trúng đấu giá không cao, từ lô "giá sàn" là 51,6 triệu/m2 cho đến khoảng giá hơn 58 triệu đồng/m2 tại khu vực xã Thanh Cao là được rao bán nhiều trong 1 tháng vừa qua, với mức "cộng chênh" là từ 200 đến 400 triệu đồng. Một môi giới cho biết khách mua có thể "làm giá", thương lượng mức chênh xuống khoảng 200 triệu là "trôi", khớp được giao dịch. Mức giá này chênh lệch không nhiều so với mặt bằng giá bất động sản tại khu vực Thanh Oai là từ 30 đến 50 triệu đồng/m2.
Nhiều chuyên gia về pháp lý và bất động sản đã chỉ ra rằng với các quy định hiện nay, việc người đấu giá không nộp tiền chỉ mất tiền đặt cọc kèm theo việc có thể bị cấm tham gia đấu giá trong một thời hạn nhất định là vẫn chưa đủ sức nặng. Giới đầu cơ biến đấu giá đất thành "cuộc chơi", nếu bán lướt được thì nộp tiền, còn nếu không thì sẵn sàng bỏ cọc. Nghịch lý của đấu giá đất là người dân khó mua được đất hoặc chỉ có thể mua được với giá cao, còn "cò" thì liên tục rao bán ăn chênh.