pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dấu hiệu và cách khắc phục trẻ bị suy dinh dưỡng
1. Dấu hiệu trẻ bị suy dinh dưỡng
Bệnh suy dinh dưỡng là tình trạng trẻ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng dẫn đến không phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ. Tình trạng suy dinh dưỡng này có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của trẻ. Một số trẻ bị suy dinh dưỡng ngay từ trong bào thai, một số trẻ gặp phải tình trạng này trong quá trình khôn lớn.
Theo sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng, để theo dõi sự tăng trưởng hay nhận biết trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng không, cách đơn giản nhất là mẹ cân và đo chiều cao cho con theo định kỳ mỗi tháng 1 lần. Nếu các chỉ số cân nặng, chiều cao tăng đều, đó là dấu hiệu cho thấy trẻ phát triển bình thường và có sức khỏe tốt. Nếu trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng, cân nặng, chiều cao sẽ gần như đứng yên trong vòng 3 tháng. Ngoài ra, nếu cân nặng của trẻ nhỏ hơn -2SD (độ lệch chuẩn) so với cân nặng tiêu chuẩn trung bình, có chiều cao thấp hơn -2SD so với chiều cao tiêu chuẩn thì khả năng cao trẻ bị suy dinh dưỡng.
+ Về cân nặng, một trẻ phát triển bình thường có cân nặng thay đổi như sau:
Trong 3 tháng đầu trẻ phát triển rất nhanh: tăng từ 1 - 2 kg/tháng.
3 tháng tiếp theo trẻ tăng từ 0,5 - 0,6 kg /tháng.
6 tháng tiếp theo chỉ tăng từ 0,3 - 0,4 kg/tháng.
Đến lúc 1 tuổi trẻ nặng gấp 3 lần lúc mới sinh (khoảng 9 - 10 kg).
Từ 2 - 10 tuổi trẻ tăng trung bình 2 - 3kg.
+ Về chiều cao: Sự phát triển bình thường về chiều cao của trẻ:
Trong 3 tháng đầu trẻ tăng từ 3 cm/tháng.
4 - 6 tháng tăng 2-2,5 cm/tháng.
7 - 9 tháng tăng 2 cm/tháng.
10-12 tháng tăng 1-1,5 cm/ tháng.
Đến khi trẻ 1 tuổi, chiều cao tăng gấp 1,5 lần so với lúc mới sinh (khoảng 75 cm), sau đó trung bình 1 năm trẻ tăng từ 5-7 cm/năm cho tới lúc dậy thì.
Ngoài chiều cao và cân nặng, còn có thêm 1 số dấu hiệu cảnh báo trẻ bị suy dinh dưỡng:
- Đánh giá bằng mắt thường: Theo PGS.TS.BS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, bố mẹ có thể nhận diện trẻ suy dinh dưỡng qua các dấu hiệu như: tay chân còi cọc, lỏng lẻo do mất mô cơ, mỡ; da trở nên mỏng, khô, xanh xao; môi khô, tróc nứt; mặt xanh xao, má hóp và mắt trũng; tóc thưa và rụng nhiều; móng tay chân nhăn, lồi lõm, sọc, xốp dễ gãy...
- Trẻ suy dinh dưỡng sẽ chậm phát triển vận động: Tùy theo từng tháng tuổi, trẻ bị suy sinh dưỡng sẽ đạt những cột mốc vận động tương ứng. Do đó, nếu trẻ chậm phát triển vận động cũng được xem là một trong những dấu hiệu cảnh báo suy dinh dưỡng. Các giai đoạn phát triển vận động của trẻ:
+ Giai đoạn 0-3 tháng: trẻ có thể ngóc đầu dậy khi nằm sấp, xoay đầu khi nằm ngửa.
+ Giai đoạn 3-6 tháng: trẻ biết lẫy, thị lực phát triển tốt và nhanh nhạy, trẻ rất thích thú với những đồ vật xung quanh, những đồ chơi nhiều màu sắc. Thính lực cũng phát triển, trẻ biết phản ứng lại với âm thanh.
+ Giai đoạn 6-9 tháng: trẻ có thể ngồi vững, bò nhanh, cầm nắm đồ vật. Ngoài ra, trẻ cũng dần quen với việc ăn dặm.
+ Giai đoạn 9-12 tháng: trẻ vận động liên tục, nhiều trẻ đã biết vịn điểm tựa để đứng lên. Trẻ cũng có thể tự xúc ăn dù còn làm rơi rớt thức ăn nhiều, tự uống nước. Bé biết chọn đồ chơi mình thích, thực hiện những hành động đơn giản khi được yêu cầu.
+ Giai đoạn 1-3 tuổi: trẻ phát triển các kỹ năng vận động thô như chập chững những bước đầu tiên mà không cần nắm tay người khác, có thể ném bóng, kéo đẩy đồ chơi, trèo cầu thang bằng 2 tay 2 chân, đạp xe 3 bánh... và kỹ năng vận động tinh như xếp chồng hình khối, lật trang sách, cầm bút chì màu...
- Con không hề hào hứng với các bữa ăn: Khi con nhìn thấy đồ ăn là khóc, chạy trốn, nôn ói khi ăn... Đây là các dấu hiệu cho thấy trẻ biếng hoặc chán ăn, kéo theo nguy cơ suy dinh dưỡng.
- Trẻ không nhanh nhẹn, mệt mỏi, cáu gắt: Một trong những dấu hiệu cảnh báo trẻ suy dinh dưỡng là trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, kém năng động, lười chơi chung với bạn bè, chỉ thích ngồi chơi một mình hoặc nằm, thờ ơ với mọi người và sự việc xung quanh...
Những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng có thể dẫn đến sức đề kháng suy giảm, chậm lớn, thậm chí là tử vong.
- Một số dấu hiệu do thiếu vitamin, khoáng chất cũng có thể cảnh báo tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ như: thiếu vitamin A dẫn đến khô mắt, quáng gà, tăng nguy cơ giảm thị lực và nhiễm trùng; thiếu sắt có thể gây suy giảm chức năng não, các vấn đề về điều hòa thân nhiệt, dạ dày; thiếu kẽm là chán ăn, còi cọc, chậm lành vết thương, đau bụng, tiêu chảy; thiếu iốt gây phì đại tuyến giáp vì phải tăng hoạt động để tiết hormone.
2. Nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng?
- Chế độ ăn nghèo nàn chất dinh dưỡng thiết yếu: Mẹ thiếu kiến thức nuôi con dẫn đến cai sữa sớm, cho bé ăn uống không đầy đủ, cho trẻ ăn dặm không đúng cách,... chính là nguyên nhân khiến trẻ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng để phát triển.
- Trẻ mắc các bệnh lý nhiễm trùng: Những bệnh lý trẻ thường mắc phải là: viêm đường hô hấp, tiêu chảy, giun sán... Khi bệnh trẻ thường cảm thấy khó chịu và biếng ăn. Những kháng sinh trong thuốc không chỉ tiêu diệt các vi trùng gây hại cho cơ thể, mà còn tiêu diệt các vi khuẩn có lợi ở đường ruột dẫn đến rối loạn đường tiêu hóa kéo dài, điều này khiến trẻ biếng ăn và thức ăn không được hấp thụ triệt để.
- Trẻ sinh non, thiếu tháng cũng dễ dẫn đến việc con bị suy dinh dưỡng.
3. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị suy dinh dưỡng?
Khi nghi ngờ con em mình bị suy dinh dưỡng, cha mẹ cần đưa trẻ tới các trung tâm y tế để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ sẽ thực hiện một loạt các xét nghiệm, kiểm tra để đánh giá xem bé đang thiếu những dinh dưỡng nào, tìm ra nguyên nhân thiếu hụt do chế độ ăn không đảm bảo hay do vấn đề nội tại cơ thể bé khiến bé kém hấp thụ.
Sau khi đã có kết quả thăm khám, các bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị cũng như bổ sung chế độ ăn hợp lý cho trẻ. Ngoài bổ sung dinh dưỡng, trẻ cần được xây dựng lối sống lành mạnh, vận động hợp lý.
Đối với thai nhi, tình trạng suy dinh dưỡng thể hiện ở việc cân nặng của bé không đạt chuẩn với các mốc mang thai tương ứng. Trong trường hợp này, mẹ cần chủ động bổ sung dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ để em bé đạt chuẩn cân nặng, nâng cao thể trạng để khi chào đời em bé được khỏe mạnh.
3. Cách phòng tránh trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng
- Trước và trong thời kỳ mang thai, người mẹ cần ăn uống đủ chất, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tuân thủ lịch khám thai định kỳ, tránh xa các chất kích thích như rượu bia, cà phê, khói thuốc lá…
- Em bé sau khi được sinh ra cần:
+ Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi vừa mới sinh ra đến 18 hoặc 24 tháng vì sữa mẹ là nguồn thức ăn đầu đời tốt nhất cho trẻ. Ngoài cung cấp chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn chứa nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại bệnh tật, các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.
+ Trường hợp mẹ thiếu sữa cần cho con bú sữa công thức phù hợp với nhu cầu và độ tuổi của trẻ.
+ Cho trẻ ăn dặm và ăn uống đúng cách, đầy đủ dinh dưỡng, khoa học để con phát triển tốt nhất.
+ Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng định kỳ mỗi năm để theo dõi sự phát triển của trẻ.
+ Chủ động bổ sung các loại vitamin cho trẻ hợp lý để con không bị thiếu hụt vitamin dẫn đến ảnh hưởng sức khoẻ.
+ Xây dựng chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi khoa học để trẻ phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ.