Đau một bên họng là bệnh gì, có nguy hiểm không?

Châu Anh
21/04/2025 - 13:32
Đau một bên họng là bệnh gì, có nguy hiểm không?
Có nhiều nguyên nhân gây đau họng một bên là bệnh gì, từ đơn giản như cảm cúm, cảm lạnh thông thường nhưng cũng có thể do nguyên nhân nghiêm trọng hơn, cần can thiệp y tế sớm như áp xe hay khối u.

Tùy từng nguyên nhân gây đau họng một bên là bệnh gì mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau.

1. Đau họng một bên là bệnh gì?

Đau họng là triệu chứng phổ biến của nhiều tình trạng sức khỏe, trong đó đau một bên họng cũng vậy. Theo Medical News Today, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây đau một bên họng mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý rằng, các thông tin dưới đây không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ.

- Sưng hạch bạch huyết: Các hạch bạch huyết trong cơ thể hoạt động như một bộ lọc và "bẫy" các vi khuẩn, virus trước khi chúng lan rộng và ảnh hưởng tới các khu vực khác nhau của cơ thể. Quá trình này có thể khiến các hạch bạch huyết sưng lên và đau nhức hơn. Trong đó, các hạch bạch huyết gần họng nhất lại nằm ở 2 bên cổ. Đây cũng chính là lý do bạn có thể bị đau họng cả hai bên hoặc đau một bên họng.

Đau một bên họng là bệnh gì? Có nguy hiểm không?- Ảnh 1.

Đau họng một bên là bệnh gì? Ảnh: ST

Sưng hạch bạch huyết có thể liên quan tới các tình trạng sức khỏe như: Cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng liên cầu khuẩn, viêm amidan, viêm tai, nhiễm trùng răng hoặc áp xe răng, bệnh bạch cầu đơn nhân, bệnh ung thư, HIV...

Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bị sưng hạch bạch huyết kéo dài trên 2 tuần hoặc kèm theo các triệu chứng như đổ mồ hôi đêm, giảm cân, sốt kéo dài, mệt mỏi nghiêm trọng, các hạch cứng cố định vào da và phát triển nhanh, các hạch bạch huyết sưng ở gần xương đòn hoặc dưới xương hàm, các vùng da nơi sưng hạch bạch huyết đỏ nóng và viêm kèm theo khó thở.

- Chảy dịch mũi sau: Chảy dịch mũi sau là tình trạng mũi họng khá phổ biến với nhiều nguyên nhân gây ra. Chảy dịch mũi sau xảy ra khi dịch chảy từ xoang mũi sau xuống tới thành sau họng dẫn tới các triệu chứng thường gặp như ngứa họng, cảm thấy vướng ở họng như mắc dị vật, ho kích ứng họng và đau họng. Dịch chảy do chảy dịch mũi sau thường loãng nhưng cũng có thể là dịch đặc.

Hội chứng chảy dịch mũi sau có thể do viêm mũi dị ứng, thời tiết hoặc không khí quá khô hanh hay do các nhiễm trùng gây tăng tiết chất nhầy cơ thể như cảm lạnh, cúm.

- Viêm amidan: Amidan gồm 2 tổ chức bạch huyết (lympho) nằm ở phía sau của hầu họng, cũng là nơi giao nhau của đường ăn uống và đường hô hấp. Viêm amidan có thể xảy ra ở một bên gây viêm đau một bên họng kèm sốt, khó nuốt và thở khò khè. Viêm amidan có thể do virus hoặc vi khuẩn, nếu viêm amidan do vi khuẩn người bệnh có thể cần sử dụng kháng sinh để loại bỏ và dự phòng tái phát.

Đau một bên họng là bệnh gì? Có nguy hiểm không?- Ảnh 2.

Viêm amidan có thể xảy ra ở một bên gây viêm đau một bên họng kèm sốt, khó nuốt và thở khò khè (Ảnh: ST)

- Áp xe quanh amidan: Áp xe quanh amidan và viêm tấy quanh Amidan là những tình trạng nhiễm trùng họng cấp tính phổ biến nhất ở thanh thiếu niên và người trưởng thành. Áp xe quanh amidan thường do biến chứng của tình trạng viêm amidan hoặc do viêm họng liên cầu khuẩn. Triệu chứng áp xe quanh amidan đặc trưng là đau một bên họng nặng hơn kèm theo đau tai ở bên amidan bị áp xe, khó mở miệng, khó nuốt, chảy dãi, sưng hạch bạch huyết ở cổ hoặc ở hàm, sốt hoặc ớn lạnh, hôi miệng, đau đầu.

Áp xe quanh amidan là tình trạng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp do có thể cản trở hô hấp gây suy hô hấp, đe dọa tính mạng người bệnh.

- Chấn thương cổ họng: Nhiều thứ có thể gây tổn thương ở cổ họng, bao gồm: Bỏng do thức ăn hoặc đồ uống nóng, các mảnh vụn thức ăn sắc nhọn, tổn thương do đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Lúc này, cổ họng có thể bị trầy xước, bỏng rát gây đau một bên họng hoặc cả hai bên.

- Trào ngược dạ dày - thực quản: Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản xảy ra khi các axit trong dạ dày trào ngược lên họng và thực quản, tình trạng trào ngược có thể nghiêm trọng hơn vào buổi tối, khi nằm xuống. Nếu như có thói quen nằm nghiêng, người bị trào ngược dạ dày - thực quản có thể bị đau một bên cổ họng.

- Bệnh tay chân miệng: Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm trùng do virus Coxsackie gây ra. Virus lây lan qua tiếp xúc vật lý với người bị nhiễm bệnh hoặc qua các giọt bắn do ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Bệnh cũng có thể lây truyền từ các bề mặt có chứa virus, chẳng hạn như tay nắm cửa hoặc đồ chơi.

Đau một bên họng là bệnh gì? Có nguy hiểm không?- Ảnh 3.

Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng thay đổi tùy từng trường hợp nhưng thường bao gồm sốt và đau họng (Ảnh: ST)

Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng thay đổi tùy từng trường hợp nhưng thường bao gồm sốt và đau họng xuất hiện từ ba đến năm ngày sau khi tiếp xúc ban đầu với virus. Các vết loét đau có thể phát triển trên lưỡi và bên trong khoang miệng, phồng rộp và gây khó nuốt, khó ăn hoặc khó uống. Tùy thuộc vào vị trí phát triển của vết loét, tình trạng này có thể cảm thấy nhiều hơn ở một bên họng so với bên kia. Phát ban giống như mụn nước cũng có thể xuất hiện ở tay và chân.

- Tổn thương dây thanh quản: Sử dụng giọng nói quá mức hoặc không đúng cách có thể khiến dây thanh quản bị tồn thương, theo thời gian có thể gây ra các nốt sần thành quản. Tổn thương dây thanh quản ở một bên có thể khiến một bên họng bị đau, khác với dấu hiệu khàn giọng, tình trạng đau một bên họng không phải là triệu chứng phổ biến ai cũng gặp.

- Khối u: Mặc dù hiếm gặp nhưng nguyên nhân đau một bên họng là bệnh gì cũng có thể do sự xuất hiện của khối u. Khối u vùng hầu họng có thể lành tính hoặc ác tính (ung thư). Ung thư đầu cổ có thể hình thành ở miệng, họng, thanh quản, xoang hoặc khoang mũi, tuyến nước bọt. Tùy từng kích thước và vị trí xuất hiện khối u mà bạn có thể cảm thấy đau ở một bên họng hoặc cả hai bên kèm theo các triệu chứng khác như sưng hạch bạch huyết, khàn giọng,...

- Đau dây thần kinh thiệt hầu và đau dây thần kinh sinh ba: Cả hai dây thần kinh này đều có thể dẫn tới đau một bên mặt nếu bị chèn ép hoặc kích thích sau một chấn thương, khối u,... Cơn đau do các vấn đề dây thần kinh có thể kéo dài từ vài giây tới vài phút, đau đữ dội như bị sốc.

Đau một bên họng là bệnh gì? Có nguy hiểm không?- Ảnh 4.

Khi nào đau một bên họng cần thăm khám bác sĩ? Ảnh: ST

- Nhiệt miệng (Canker Sore) hoặc loét áp-tơ: Là những vết loét nhỏ phát triển trên niêm mạc miệng hoặc nướu răng do nhiều nguyên nhân gây ra như chấn thương, viêm nhiễm, dị ứng, thiếu hụt dinh dưỡng, rối loạn miễn dịch,... Các vết loét gây ra cảm giác nóng rát và có thể ảnh hưởng tới một số vùng như họng, má, môi, sàn miệng, lưỡi, khẩu cái mềm.

2. Khi nào đau một bên họng cần thăm khám bác sĩ?

Như đã nói, tùy từng nguyên nhân gây đau họng một bên là bệnh gì mà điều trị sẽ được chỉ định khác nhau. Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ kiểm tra bằng cách quan sát, sờ nắn họng và chỉ định các chẩn đoán hình ảnh như CT, X-quang, chụp MRI, sinh thiết hoặc xét nghiệm máu nếu cần thiết để hỗ trợ chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Điều quan trọng là bạn cần nói cho bác sĩ biết:

- Cơn đau bắt đầu từ khi nào?

- Mức độ cơn đau họng ảnh hưởng như thế nào, có ăn uống bình thường được không,...

- Điều gì khiến cơn đau họng một bên trở nên nghiêm trọng hoặc giảm nhẹ đi?

- Các triệu chứng khác kèm theo tình trạng đau họng một bên là gì?

Để giảm đau họng tại nhà, bạn có thể dùng mật ong, súc miệng hàng ngày bằng nước muối ấm hoặc uống nước ấm nhiều hơn. Các loại thuốc không kê đơn như acetaminophen hoặc viên ngậm có thể hỗ trợ giảm đau họng. Tùy từng nguyên nhân mà thời gian đau họng kéo dài bao lâu sẽ khác nhau. Chẳng hạn như đau một bên họng do cảm lạnh thông thường có thể thuyên giảm sau 1 tuần, trong khi đó đau một bên họng do ung thư amidan có thể phụ thuộc vào việc điều trị, có thể kéo dài trong nhiều tuần thậm chí nhiều tháng.

Nếu bạn bị đau họng không thuyên giảm hoặc trở nên tệ hơn sau khoảng một tuần hãy kiểm tra sớm với bác sĩ. Đặc biệt, nếu như cơn đau họng một bên kèm theo các tình trạng sau thì cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt: Đau họng dữ dội; khó khăn trong ăn uống, nhai nuốt; hạch bạch huyết sưng to hơn khi cơn đau họng giảm nhẹ; sốt kéo dài; xuất hiện mủ hoặc các lớp giả mạc trắng ở thành sau họng; đau nhức cơ thể, đau khớp, đau đầu, đau tai; phát ban hoặc vết bọng nước trên da; đau họng kèm ho ra máu; có một khối u sờ nắn được ở cổ; đau họng tái phát thường xuyên.

Nguồn: Medical News Today, Very Well Health
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm