Đau họng dai dẳng, không sốt nguyên nhân do đâu?

Vân Anh
24/01/2024 - 15:58
Đau họng dai dẳng, không sốt nguyên nhân do đâu?
Đau họng dai dẳng nhưng không sốt thường do các nguyên nhân không nghiêm trọng như dị ứng, chảy dịch mũi sau, thở bằng miệng, tiếp xúc với khói bụi,... Tuy nhiên, nếu đau họng dai dẳng kèm theo các triệu chứng khác thì có thể cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm hơn.

Đau họng có thể dẫn đến đau, cảm giác ngứa ngáy, khàn giọng và nóng rát khi nuốt. Đau họng dai dẳng có thể tái phát nhiều lần hoặc có thể kéo dài. Đau họng dai dẳng có thể do nhiều tình trạng khác nhau, bao gồm một số bệnh nhiễm trùng nguy hiểm tiềm ẩn, vì vậy điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân càng nhanh càng tốt.

1. Nguyên nhân gây đau họng dai dẳng, không sốt

Một số tình trạng có thể gây đau họng dai dẳng, không sốt bao gồm:

- Dị ứng

Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng quá mức với một số chất thường là vô hại. Những chất này được gọi là chất gây dị ứng. Các chất gây dị ứng phổ biến bao gồm thực phẩm, một số loại thực vật, lông thú cưng, bụi và phấn hoa.

Bạn đặc biệt dễ bị đau họng dai dẳng nếu bị dị ứng liên quan đến những thứ bạn hít vào (phấn hoa, bụi, nước hoa tổng hợp, nấm mốc,...). Chỉ khi nào các tác nhân này được loại bỏ thì có thể bạn sẽ không bị đau họng.

Các triệu chứng thường gặp nhất liên quan đến các loại dị ứng trong không khí này bao gồm: sổ mũi, ho, hắt hơi, ngứa mắt, chảy nước mắt. Chảy nước mũi sau do sổ mũi và viêm xoang có thể là nguyên nhân gây đau họng.

Đau họng dai dẳng, không sốt nguyên nhân do đâu?- Ảnh 1.

Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng giúp bạn phòng tránh tình trạng đau họng dai dẳng do tái phát (Ảnh minh họa: ST)

- Chảy dịch mũi sau

Khi bạn bị chảy nước mũi sau, chất nhầy dư thừa sẽ chảy từ xoang vào phía sau cổ họng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng cổ họng đau hoặc ngứa dai dẳng. Chảy nước mũi sau có thể do thay đổi thời tiết, một số loại thuốc, thức ăn cay, lệch vách ngăn, dị ứng, không khí khô,...

Ngoài đau họng, một số triệu chứng chảy nước mũi sau bao gồm:

+ Không sốt

+ Hơi thở hôi

+ Cảm giác lúc nào cũng phải nuốt hoặc hắng giọng

+ Ho nặng hơn vào ban đêm

+ Buồn nôn do chất nhầy dư thừa trong dạ dày của bạn

- Thở bằng miệng

Nếu bạn thường xuyên thở bằng miệng, đặc biệt là khi ngủ, điều này có thể dẫn đến chứng đau họng tái phát. Đặc biệt, bạn sẽ cảm thấy đau họng vào buổi sáng khi thức dậy và cơn đau nhức có thể sẽ thuyên giảm sau khi bạn uống nước.

Các triệu chứng thở bằng miệng vào ban đêm bao gồm:

+ Khô miệng

+ Cổ họng ngứa hoặc khô

+ Khàn tiếng

+ Mệt mỏi và khó chịu khi thức dậy

+ Hơi thở hôi

+ Quầng thâm dưới mắt

+ Sương mù não

Nghẹt mũi, ngưng thở khi ngủ và phì đại vòm họng hoặc amidan là những nguyên nhân gây ra tình trạng thở bằng miệng.

- Trào ngược axit

Trào ngược axit, còn được gọi là ợ chua, xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới (LES) yếu đi và không thể đóng chặt. Những dịch ở dạ dày sau đó chảy ngược và lên thực quản. Trào ngược axit kéo dài có thể dẫn đến đau họng mà không sốt. Nếu như tình trạng trào ngược không được kiểm soát thì bạn có thể bị đau họng dai dẳng. Theo thời gian, axit từ dạ dày có thể gây viêm thực quản, chít hẹp và trong trường hợp hiếm là dị sản hoặc ung thư.

Ngoài đau họng, các triệu chứng phổ biến của trào ngược axit bao gồm:

+ Ợ nóng

+ Trào ngược

+ Vị chua trong miệng

+ Nóng rát và khó chịu (vùng bụng trên giữa)

+ Khó nuốt

- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Bạn có thể nghĩ STI là bệnh chỉ ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục của bạn, nhưng nhiễm trùng lậu ở cổ họng có thể xảy ra do quan hệ tình dục bằng miệng khi không được bảo vệ.

Khi bệnh lậu ảnh hưởng đến cổ họng, nó thường chỉ gây ra tình trạng đau họng đỏ và dai dẳng.

- Ô nhiễm môi trường

Nếu bạn sống ở khu vực như một thành phố lớn, bạn có thể bị đau họng dai dẳng do khói bụi, một tập hợp các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt vào những ngày nắng nóng, việc hít thở khói bụi có thể rất nguy hiểm. Ngoài việc bị kích thích, đau họng, hít phải khói bụi có thể gây ra: các triệu chứng hen suyễn trở nên tồi tệ hơn, ho, kích ứng ngực, khó thở, tổn thương phổi.

- Hút thuốc

Hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc thụ động có thể gây ngứa hoặc đau họng, cùng với bệnh hen suyễn, viêm phế quản, khí thũng,... trở nên trầm trọng hơn.

Trong trường hợp nhẹ, việc tiếp xúc với chất độc trong khói thuốc lá sẽ dẫn đến đau họng. Nhưng hút thuốc cũng là một yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng, có thể dẫn đến đau họng.

2. Nên làm gì khi đau họng dai dẳng, không sốt?

Nhìn chung, các nguyên nhân gây đau họng dai dẳng không sốt hầu hết đều không nguy hiểm và có thể điều trị tại nhà. Dưới đây là một số điều bạn có thể thử để giảm triệu chứng đau họng:

- Uống nhiều nước ấm: nước ấm giúp làm dịu và làm ẩm cổ họng, từ đó giúp giảm đau họng một cách nhanh chóng. Ngoài ra, các bạn có thể uống mật ong, gừng + muối với nước ấm - phương pháp này phù hợp cho cả đau họng, sốt do nhiễm vi khuẩn, virus.

- Súc miệng bằng nước muối: bạn có thể hòa tan khoảng 1/4 đến 1/2 thìa cà phê muối với mỗi 8ml nước ấm. Sau đó, thực hiện súc miệng và họng trong khoảng 30 - 60 giây rồi nhổ ra. Bạn có thể thực hiện súc họng từ 1 đến 2 lần/lượt.

- Nếu không khi khô bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để giữ ẩm cho cổ họng và giảm đau họng.

- Dùng thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil) hoặc naproxen (Alleve).

- Nếu đau họng là do trào ngược axit, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng axit để giảm triệu chứng.

- Bác sĩ có thể kê toa thuốc chống dị ứng, thuốc tiêm dị ứng hoặc thuốc xịt mũi nếu dị ứng theo mùa gây đau họng.

Đau họng dai dẳng, không sốt nguyên nhân do đâu?- Ảnh 2.

Uống nước ấm hoặc mật ong chanh có thể giúp giảm đau họng nhanh chóng (Ảnh: ST)

Bên cạnh việc điều trị, đau họng do các nguyên nhân trên rất dễ tái phát khi bạn tiếp xúc với các tác nhân kích thích gây ra triệu chứng. Do đó, để phòng ngừa đau họng dai dẳng do tái phát, các bạn nên:

- Vệ sinh mũi sạch sẽ hàng ngày với nước muối sinh lý, xì mũi đúng cách để tránh chảy dịch mũi sau

- Hạn chế tiếp xúc hoặc loại bỏ các chất gây dị ứng khỏi môi trường của bạn

- Bỏ thuốc lá

- Khi ra ngoài đeo khẩu trang đầy đủ để hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm, khói bụi,...

3. Khi nào nên gặp bác sĩ?

Nếu cơn đau họng của bạn kéo dài hơn 2 ngày và áp dụng các biện pháp tại nhà mà không thuyên giảm thì hãy liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra. Nguyên nhân gây đau họng có thể dễ dàng được chẩn đoán và hầu hết đều dễ dàng điều trị.

Tuy nhiên, bạn cần gặp bác sĩ hoặc tìm cách điều trị khẩn cấp ngay lập tức nếu bạn gặp phải các triệu chứng như:

- Cơn đau dữ dội làm suy giảm việc ăn, nói hoặc ngủ

- Sốt cao trên 38˚C

- Đau dữ dội, dữ dội ở một bên cổ họng, cùng với các tuyến bị sưng

- Gặp khó khăn khi quay đầu

4. Câu hỏi thường gặp

- Đau họng không sốt có lây không?

Đau họng không sốt có thể lây nhiễm nếu nguyên nhân là do nhiễm vi-rút hoặc vi khuẩn. Một số trường hợp nhiễm vi-rút chỉ bắt đầu bằng triệu chứng đau họng. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện sau đó hoặc không nếu bị nhẹ.

Đối với những nguyên nhân gây đau họng do dị ứng, khói thuốc, khói bụi, trào ngược,... thì chúng sẽ không lây nhiễm.

- Đau họng kéo dài nhưng không ho là do đâu?

Bị đau họng nhưng không ho có thể là dấu hiệu của bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên. Thường tình trạng này không quá nghiêm trọng và có thể thuyên giảm nhanh chóng khi điều trị tại nhà. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng đây là dấu hiệu của khối u thực quản hoặc nặng hơn là ung thư vòm họng. Do đó nếu bạn bị đau họng quá 2 đến 3 tuần mà không thuyên giảm, dù ho hay không ho, thì nên đến bệnh viện thăm khám để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh cũng như hướng điều trị phù hợp.

Nguồn: Healthline.com
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm