pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở Đông Nam Á: Tại sao cần cảnh giác?
Trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Singapore liên quan đến một người đàn ông quốc tịch Anh, làm tiếp viên hàng không, 42 tuổi và thường xuyên có các chuyến bay đến và rời Singapore trong giữa tháng 6. Vào ngày 20/6 bệnh nhân có kết quả dương tính với đậu mùa khỉ sau khi có một vài triệu chứng như phát ban trên da, đau đầu và sốt vào tuần trước.
Hiện tại người đàn ông này đang được điều trị tại Trung tâm Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm ở Singapore. Có 13 người trong số những người tiếp xúc gần gũi với người đàn ông này đã được xác định và đang tìm cách liên lạc.
Bệnh đậu mùa khỉ đang là dịch bệnh có tính phức tạp, khiến giới chức y tế thế giới lo ngại. Tính đến ngày 21/6, tổng cộng có khoảng 40 quốc gia đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ.
1. Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp do nhiễm vi rút đậu mùa khỉ. Virus này thuộc giống Orthopoxvirus trong họ Poxviridae - tương tự như virus gây bệnh thuỷ đậu. Thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ từ 7 đến 14 ngày.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh thường giống cúm như sốt, ớn lạnh, kiệt sức, nhức đầu và yếu cơ, sau đó là sưng hạch bạch huyết. Sau đó, bệnh tiến triển thành phát ban và các tổn thương có thể phồng rộp và đóng vảy trên khắp cơ thể - thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần.
Những người bị phơi nhiễm cũng có thể bị đau họng, ho hoặc phát ban trên màng nhầy của miệng.
Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, tuy bệnh nặng có thể tử vong, viêm phổi, nhiễm trùng não khi không được điều trị đúng cách. Có hai biến thể phổ biến: biến thể Trung Phi (tỷ lệ tử vong là 10.6%) và biến thể Tây Phi (tỷ lệ tử vong là 3,6%). Tuy nhiên, biến thể đang lây lan phổ biến trên thế giới là Tây Phi, nên khả năng gây tử vong thấp.
2. Bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào?
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện trên một số động như khỉ, chuột nên có thể bệnh lây truyền từ động vật qua người khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể, dịch tiết từ đường hô hấp của chúng, hoặc các vật thể nhiễm virus như chăn, ga, bề mặt cứng…
Con đường lây nhiễm từ người sang người đối với đậu mùa khỉ không cao, khả năng lây nhiễm chỉ khi tiếp xúc với dịch trên da, giọt bắn trong thời gian dài.
Đối với sự lây lan của đậu mùa khỉ như hiện nay, các chuyên gia, giới chức y tế vẫn chưa thể lý giải nguyên nhân. Có một giả thiết đang được nghiên cứu, đậu mùa khỉ có thể lây qua đường tình dục, các ca nhiễm bệnh gần đây chủ yếu là nam giới trong cộng đồng LGBT. Vì vậy, các chuyên gia kêu gọi nhóm đối tượng này cần đặc biệt lưu ý đến các điểm bất thường trên cơ thể như: phát ban, mụn nước…
3. Một số lưu ý cho bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ
- Những người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, các vết thương trên da không nên để tiếp xúc với gió, nước lạnh. Tuy nhiên, nơi ở đảm bảo thoáng mát, không ẩm thấp, bí bách.
- Người bệnh cần được cách ly, không dùng chung các đồ dùng cá nhân như khăn tắm và khăn trải giường. Các bề mặt thường xuyên chạm vào phải được khử trùng thường xuyên, quần áo giặt riêng với các thành viên trong gia đình cho đến khi khỏi bệnh.
- Cần tuân thủ theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ
- Nên ăn những thực phẩm mềm, lỏng, uống nhiều nước.
4. Một số biện pháp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ
- Tránh tiếp xúc với động vật ở nơi có ca nhiễm đậu mùa khỉ (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết).
- Vệ sinh chân tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm bệnh. Ví dụ như rửa tay bằng xà phòng, dùng cồn khử khuẩn…
- Đặc biệt, trong thời gian vẫn còn dịch bệnh Covid-19 và sự xuất hiện đậu mùa khỉ, khi ra ngoài nên đeo khẩu trang, về nhà khử khuẩn sạch sẽ.
- Nấu chín tất cả các loại thực phẩm từ thịt động vật, không ăn sống, ăn tái. Như vậy, bạn có thể phòng tránh được nhiều loại virus nguy hiểm khác.
- Quan hệ tình dục an toàn vì bệnh có khả năng bệnh lây truyền qua được tình dục.
Mặc dù bệnh đậu mùa khỉ không quá nguy hiểm, nhưng khi phát triển thành dịch bệnh sẽ gây nhiều khó khăn. Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng như phát ban, mụn nước mà không rõ nguyên nhân nên đến cơ sở y tế thăm khám, ra ngoài nên cẩn thận và vệ sinh tay chân sạch sẽ.
Nguồn tham khảo: Monkeypox case confirmed in Singapore, two more suspected in South Korea