pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đau thận sau khi uống rượu do đâu? Có nguy hiểm không?
Thận nằm ở sau vùng bụng trên, dưới lớp phúc mạc bụng và trong khoang sau màng bụng (khu vực nằm ở sau dạ dày). Cơ thể người hai quả thận, gồm có thận trái và thận phải nằm gần như đối xứng với nhau ở hai bên cột sống, cụ thể: Thận trái nằm dưới xương sườn số 11 và 12, gần sát với dạ dày, lá lách và nằm cao hơn một chút so với gan. Còn thận phải nằm ở vị trí thấp hơn một chút so với thận trái (do phải hạ thấp để nhường chỗ cho gan).
Thận của người trưởng thành có khối lượng khoảng 150-170gr, dài khoảng 10-12,5cm, rộng khoảng 5-6cm và dày khoảng 3-4cm. Trên phim chụp X-quang, thận cao bằng 3 thân đốt sống.
Vai trò của thận trong cơ thể bao gồm việc lọc máu để loại bỏ chất thải, điều chỉnh huyết áp, duy trì sự cân bằng nước và các chất khoáng,sản xuất ra các hormone giúp bạn kiểm soát huyết áp, giữ cho xương chắc khỏe và tạo ra các tế bào hồng cầu.
1. Đau thận là đau ở vị trí nào?
Đau thận là cơn đau xuất phát từ dưới lồng xương sườn ở hai bên cột sống, đôi khi cơn đau cho cảm giác như đến từ sâu bên trong cơ thể. Cơn đau thận có thể âm ỉ hoặc đau nhói, đau dữ dội theo từng cơn. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây đau mà đau thận có thể ở một bên hoặc ở cả hai bên. Cơn đau có thể lan lên đến bụng hoặc vùng háng.
Các triệu chứng khác có thể gặp khi bị đau thận bao gồm: Sốt, nôn mửa, đau khi đi tiểu, nước tiểu đục, tiểu có lẫn máu.
Nhìn chung, các triệu chứng bệnh thận thường gặp bao gồm:
- Đau ở phần trên của lưng bao gồm cả cơ và cột sống, đặc biệt khi cúi xuống.
- Mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
- Khó ngủ.
- Da khô và ngứa da.
- Nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn, tiểu gấp, tiểu dắt.
- Nước tiểu có bọt.
- Tiểu có thể lẫn máu.
- Sưng nề mắt cá chân hoặc bàn chân.
- Thường xuyên bị chuột rút.
2. Đau thận sau khi uống rượu
Có nhiều nguyên nhân gây ra cơn đau thận, có thể kể đến như: tổn thương thận cấp tính do uống rượu quá độ hoặc uống quá nhiều trong một thời gian ngắn; nhiễm trùng đường tiết niệu; sỏi thận; chấn thương thận; nhiễm trùng thận; mất nước; COVID-19; bí tiểu; hẹp niệu quản; u nang thận; bệnh thận đa nang; ung thư thận; huyết khối tĩnh mạch thận;...
Trong đó, tổn thương thận cấp tính có thể xảy ra sau khi uống rượu, dẫn tới cơn đau thận.
2.1. Triệu chứng đau thận sau khi uống rượu
Đau thận sau khi uống rượu có thể đau ở vùng phía sau bụng, dưới lồng ngực ở cả hai bên cột sống. Cơn đau được mô tả là cơn đau xảy ra đột ngột, đau nhói như bị đâm hoặc một số thì bị đau âm ỉ.
Tùy từng cá nhân mà đau thận có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng; đau ở một hoặc cả hai bên thận hay đau ngay sau khi uống rượu hoặc sau khi ngừng uống rượu. Đôi khi cơn đau thận sau khi uống rượu có thể trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm.
Các triệu chứng khác có thể kèm theo bao gồm: Buồn nôn và nôn mửa, đau khi đi tiểu, tiểu có lẫn máu, ăn không ngon miệng, khó ngủ, đau nhức đầu, mệt mỏi, sốt và ớn lạnh.
2.2. Đau thận sau khi uống rượu do đâu?
Có nhiều nguyên nhân khiến một người bị đau thận sau khi uống rượu. Điều quan trọng là chú ý tới những triệu chứng kèm theo và thăm khám bác sĩ sớm.
- Bệnh gan
Bệnh gan khiến nhiều người dễ bị đau và khó chịu sau khi uống rượu nếu chức năng gan đã bị suy yếu, điều này thường phổ biến hơn ở người nghiện rượu. Người mắc bệnh gan cũng có thể ảnh hưởng tới lưu lượng máu vận chuyển tới thận và khiến thận kém hiệu quả hơn trong việc lọc máu.
Để điều trị bệnh gan, tùy vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, các can thiệp thường bao gồm thay đổi lối sống như ngừng uống rượu, giảm cân, cân bằng dinh dưỡng hay phẫu thuật hoặc ghép gan.
- Sỏi thận
Sỏi thận có thể hình thành nếu cơ thể thường xuyên bị mất nước do rượu hoặc uống rượu quá mức trong khi đang bị sỏi thận cũng khiến đau thận tăng nặng hơn.
Điều trị sỏi thận bao gồm: Uống đủ nước, uống thuốc hoặc tán sỏi.
- Nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận hay còn gọi là viêm thận - bể thận là tình trạng nhiễm trùng thận gây đau do viêm bàng quang gây ra. Trong một số trường hợp, vi khuẩn từ bàng quang có thể đi ngược lên trên một hoặc cả hai thận. Viêm bàng quang có thể liên quan tới các nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi uống rượu.
Điều trị nhiễm trùng thận cần thăm khám bác sĩ sớm. Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh uống nhiều nước, sử dụng thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh. Nhiễm trùng thận nghiêm trọng hoặc tái phát có thể cần nhập viện và phẫu thuật.
- Mất nước
Mất nước là một vấn đề sức khỏe thường gặp sau khi uống rượu, đặc biệt là uống rượu quá mức. Uống rượu có thể khiến một người đi tiểu nhiều hơn bình thường và dẫn tới mất nước. Rượu ảnh hưởng tới khả năng duy trì sự cân bằng nước và chất điện giải trong cơ thể của thận.
Điều này dẫn tới suy giảm chức năng thận và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận, nhất là khi mất nước là tình trạng mãn tính sẽ khiến bạn có nguy cơ cao gặp phải các cơn đau thận sau khi uống rượu hơn.
Điều trị mất nước bao gồm: Bù nước bằng các loại đồ uống điện giải, tránh uống đồ uống có đường. Nếu mất nước nghiêm trọng với cảm giác khô miệng và khát nước rất mạnh, ít đi tiểu hoặc nước tiểu có màu đậm, da khô, mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim nhanh và huyết áp thấp cần phải được chăm sóc tại bệnh viện và bù nước bằng đường tĩnh mạch.
- Hẹp khúc nối bể thận - niệu quản
Là sự cản trở dòng nước tiểu từ bể thận xuống niệu quản đoạn gần hay nói cách khác là tình trạng cản trở hoạt động bình thường của thận và bàng quang. Tình trạng này đôi khi gây ra cơn đau ở bên hông, lưng dưới hoặc đau ở bụng lan tỏa xuống háng. Uống rượu có thể làm nghiêm trọng hơn bất kì cơn đau nào liên quan.
- Thận ứ nước
Thận ứ nước là 1 dạng tổn thương của thận biểu hiện ở việc thận bị giãn nở hoặc sưng to lên do nước tiểu bị ứ đọng, tắc nghẽn lại bên trong, ngăn cản nước tiểu thoát ra khỏi thận tới bàng quang một cách bình thường.
Thận ứ nước có thể xảy ra chỉ ở một bên hoặc ở cả hai bên dẫn tới tổn thương cấu trúc tế bào và suy giảm chức năng thận. Cơn đau bao gồm đau hông và đau thận, tiểu khó. Người mắc bệnh sỏi thận cũng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.
Nhìn chung thì uống nhiều rượu, uống rượu quá mức có thể gây ra một số hậu quả về lâu dài cho sức khỏe bao gồm bệnh tiểu đường type 2, bệnh huyết áp cao - đây đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, thậm chí là các tổn thương thận lâu dài khó hồi phục. Nguy cơ này cũng tăng lên nếu một người vừa nghiện rượu, vừa nghiện hút thuốc lá.
Thận phải làm việc quá sức do uống quá nhiều rượu lâu dài sẽ gây suy giảm chức năng, lọc máu kém, khó khăn trong cân bằng nước, các hormone kiểm soát chức năng thận cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
Do đó mà nếu một người bị đau thận sau khi uống rượu, điều quan trọng là cần phải chú ý tới những bất thường của cơ thể, uống nhiều nước hơn (chẳng hạn như nước trái cây, nước dừa,...), bổ sung các thực phẩm có carbohydrate, hạn chế lượng muối hay đường và caffeine nạp vào cơ thể sau khi uống rượu. Nếu cơn đau thận nghiêm trọng và không có dấu hiệu giảm nhẹ sau khi ngừng uống rượu và nghỉ ngơi đầy đủ, hãy thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán nguyên nhân.