pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đau thắt lưng không đứng thẳng được có nguy hiểm không?
Đau thắt lưng là đau ở đâu?
Đau thắt lưng là tình trạng vùng cột sống thắt lưng bị đau, vùng này gồm 5 đốt sống, từ L1 - L5 kèm theo đó là một hệ thống các cơ, gân, dây chằng bao xung quanh. Một khi các thành phần này bị tổn thương sẽ dẫn tới cơn đau thắt lưng.
Cơn đau thắt lưng được mô tả là cảm giác đau nhức, thậm chí đau nhói buốt khó chịu nhất là khi duy trì ở lâu trong một tư thế (chẳng hạn như ngồi, nằm) hay mang vác vật nặng. Đôi khi cơn đau thắt lưng sẽ lan tỏa xuống tới gần mông, cẳng chân, bàn chân,... dẫn tới cảm giác bị tê bì chân tay.
1. Đau thắt lưng không đứng thẳng được là bệnh gì?
Như đã nói, có nhiều nguyên nhân có thể gây ra cơn đau thắt lưng dưới và khiến bạn không thể đứng thẳng hay đi lại bình thường được, chẳng hạn:
- Bong gân lưng, căng thẳng ở cơ lưng hoặc mỏi cơ quá mức
Đi bộ, đứng hoặc mang vác vật nặng trong thời gian dài mà không được nghỉ ngơi đầy đủ và bị quá tải có thể dẫn tới căng thẳng cột sống, dây chằng, cơ lưng dưới và chân từ đó dẫn tới các cơn đau cứng hoặc nhức ở lưng, bao gồm cả đau thắt lưng không đứng thẳng được. Tình trạng này thường phổ biến hơn ở người bị thừa cân, người ít tập luyện (các cơ và dây chằng không được sử dụng thường xuyên sẽ trở nên yếu).
Bong gân lưng là chấn thương đau đớn phát triển nếu dây chằng lưng bị kéo căng theo cách bất thường, từ đó dẫn tới đau, co thắt và sưng tại khu vực bị tổn thương, người bị bong gân lưng sẽ gặp khó khăn trong việc đứng thẳng lưng hay di chuyển.
- Đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa xảy ra khi có sự chèn ép hoặc kích thích dây thần kinh tọa, dây thần kinh chạy dọc từ lưng xuống dưới gối và là dây thần kinh dài nhất và rộng nhất trong cơ thể nên rất dễ bị ảnh hưởng. Đau thần kinh tọa thường là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe khác gây kích thích dây thần kinh tọa. Ví dụ, đau thần kinh tọa thường phát triển do đĩa đệm bị vỡ, phồng hoặc thoát vị chèn ép dây thần kinh tọa.
Khi dây thần kinh tọa bị chèn ép, cảm giác đau có thể lan tỏa từ thắt lưng xuống hông và chân, gây khó khăn trong việc đứng thẳng hoặc di chuyển mà không cảm thấy đau. Nói cách khác là bạn có thể đột ngột bị đau thắt lưng không đứng thẳng được hay không cúi người, đi lại bình thường được.
Đau thần kinh tọa theo nhiều mức độ từ nhẹ tới nặng và có thể đi kèm với cảm giác tê bì, châm chích ở chi dưới, yếu cơ, đau nhói chạy xuống thắt lưng, hông, mông hoặc chân và cảm giác khó chịu ở chân hoặc bàn chân. Đặc biệt, cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi ngồi hoặc đứng trong thời gian dài. Do dây thần kinh tọa dài nên cơn đau thường được cảm nhận ở toàn bộ phần dưới cơ thể.
- Hẹp ống sống thắt lưng
Đau thắt lưng không đứng thẳng là bệnh gì? Nguyên nhân có thể do hẹp ống sống hay còn gọi là hẹp cột sống thắt lưng. Đây là tình trạng mà không gian bên trong ống sống bị thu hẹp dẫn tới áp lực lên các rễ thần kinh và tủy sống đi qua cột sống. Mặc dù có thể xảy ra ở mọi đốt sống nhưng hẹp ống sống phổ biến hơn ở cổ và lưng dưới dẫn tới các triệu chứng đau thắt lưng và đau thần kinh tọa.
Nguyên nhân hẹp đốt sống có thể là bẩm sinh hoặc có liên quan tới thoái hóa cột sống, rối loạn bất thường cấu trúc xương như bệnh Paget xương, bệnh thoát vị đĩa đệm, dày dây chằng, chấn thương cột sống, khối u tủy sống đều có thể dẫn tới tình trạng này.
Tùy thuộc vào từng trường hợp bị hẹp ống sống cụ thể mà cơn đau cũng sẽ có sự khác biệt. Trong đó nếu hẹp ống sống ảnh hưởng tới thắt lưng sẽ khiến người bệnh có cảm giác đau âm ỉ hoặc đau nhói như bị điện giật ở vùng lưng; tê yếu ở chân; cảm giác châm chích ở thắt lưng lan tới mông hoặc chân; đau dây thần kinh tọa hoặc cơn đau nhói lan xuống chân.
- Bệnh thoái hóa đĩa đệm
Bệnh thoái hóa đĩa đệm xảy ra khi đĩa đốt cột sống bị mất sự dẻo dai vốn có, lệch khỏi vị trí thông thường - cũng có thể khiến một người bị đau thắt lưng không đứng thẳng được hoặc đi lại gặp khó khăn nếu các rễ thần kinh ở thắt lưng bị chèn ép, xương trong cột sống cọ xát vào nhau. Cơn đau từ thắt lưng có thể lan tỏa xuống hông và xuống chân kèm theo cảm giác cứng lưng; yếu ở chân hoặc bàn chân.
Cơn đau tăng lên khi thực hiện các hoạt động liên quan đến tư thế uốn cong, vặn cột sống hoặc nâng vật nặng.
- Quá ưỡn cột sống (võng lưng)
Quá ưỡn cột sống còn gọi là chứng võng lưng, là một dạng rối loạn cong cột sống khiến một người có đường cong lồi về trước quá mức ở vùng lưng dưới, khi nằm ngửa có thể dễ dàng quan sát thấy lưng của người bị tật ưỡn cột sống sẽ có một khoảng lớn giữa lưng và sàn.
Đôi khi chứng quá ưỡn cột sống có thể gây đau đớn và khó chịu ở lưng, đặc biệt là phần thắt lưng, dẫn tới đau thắt lưng không đứng thẳng được, ảnh hưởng tới khả năng vận động và cơn đau có thể trở nên trầm trọng hơn khi đứng lâu.
Chứng võng lưng ngựa có thể là do bẩm sinh, chấn thương, hậu phẫu cắt cung sau cột sống cổ, loãng xương, thoái hóa đốt sống, hoặc liên quan tới các rối loạn dây thần kinh - cơ hoặc cơ bắp khác nhau gây nên.
Vậy đau thắt lưng có nguy hiểm không?
Câu trả lời là có. Ngoài việc gây ra các cơn đau nhức nghiêm trọng thì đau thắt lưng không được điều trị đúng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới phạm vi chuyển động của cơ thể, biến chứng đau thắt lưng mãn tính hoặc nghiêm trọng hơn là đau thần kinh tọa. Theo thời gian, người bệnh có thể bị biến chứng teo cơ đùi, cẳng chân, hạn chế tầm vận động, thậm chí là bại liệt.
2. Khi nào tình trạng đau thắt lưng không đứng thẳng được cần thăm khám bác sĩ?
Trước tiên, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng đau thắt lưng không đứng thẳng được là bệnh gì mà điều trị có thể bao gồm: Nghỉ ngơi, chườm nóng hoặc chườm lạnh, thuốc giảm đau, thuốc tiêm corticosteroid, thuốc bôi ngoài da, các bài tập giãn cơ lưng, vật lý trị liệu, phẫu thuật.
Nếu cơn đau không thuyên giảm, thắt lưng vẫn co cứng hoặc triệu chứng đau thắt lưng trở nên nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày, ngay cả khi đã áp dụng các cách giảm đau thắt lưng tại nhà mà không đỡ, thì bạn cần thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau thắt lưng là bệnh gì. Đặc biệt là khi cơn đau vùng thắt lưng kèm theo tiểu tiện, đại tiện không tự chủ, yếu cơ, nhược cơ chân tựa như bị liệt.
Cuối cùng, để phòng ngừa cơn đau thắt lưng dưới, cần:
- Duy trì thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập thể dục kết hợp xen kẽ cường độ thấp, trung bình và cường độ cao chẳng hạn như đạp xe, đi bộ, tập thể dục nhịp điệu, bơi lội,...
- Thực hành các tư thế đi bộ đúng, bao gồm việc chú ý giữ lưng thẳng, hạn chế chúi đầu quá nhiều về phía trước hay khom lưng sai tư thế.
- Giữ tư thế làm việc với máy tính đúng cách, đặt màn hình ngang tầm mắt, ngồi thẳng lưng và sử dụng thêm các loại gối đỡ trợ lưng phù hợp.
- Khi mang vác vật nặng, chú ý kỹ thuật nâng đúng cách, không cúi xuống đột ngột mà nên ở tư thế quỳ một gối, thẳng lưng; đặc biệt là khi mang vác các vật nặng trong thời gian dài.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm nhiều trái cây, rau củ tươi, ngũ cốc nguyên nhạt và protein nạc.
Nhìn chung, tình trạng đau thắt lưng không đứng thẳng được hoặc không đi lại được đột ngột có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Việc chẩn đoán sớm tại bệnh viện và chú ý tới các triệu chứng kèm theo bất thường sẽ giúp xác định chính xác nguyên nhân và có cách điều trị đau thắt lưng phù hợp. Tuyệt đối không nên tự ý châm cứu, bấm huyệt hay bó lưng bằng thuốc lá chữa đau thắt lưng hoặc uống thuốc mà không có chỉ định hay hướng dẫn tự bác sĩ.