Điểm lạ là, mặt trên của tấm thảm được chia thành 4 ô vuông bằng nhau, trong mỗi ô vuông là ảnh chụp chân dung của từng thành viên trong gia đình. Bắt đầu từ trái qua phải lần lượt là chồng chị, đến chị, rồi con trai lớn và gái út. Khách khứa lần nào đến chơi cũng lấy làm khó hiểu. Chỉ thấy người ta in ảnh gia đình lên quần áo, cốc uống nước, chứ chưa gặp ở đâu in ảnh người lên thảm chùi chân.
(Ảnh minh họa) |
Chị kể, chị làm tấm thảm ấy sau cái ngày chồng chị vô tình đánh thằng con lớn bật máu tay. Chồng chị làm kinh doanh, công việc nhiều áp lực, có những ngày căng thẳng tới mức không thở nổi. Anh thường trở về nhà với khuôn mặt lạnh ngắt như đá. Bọn trẻ sợ bố, cứ thoáng thấy bóng bố là chúng rón rén rúc vào phòng như bầy chuột nhắt. Chồng chị thường đem tất cả những nỗi bực dọc ở công ty về nhà, tâm tính anh thất thường lên xuống, có khi vừa mới vui vẻ nói cười, nháy mắt đã lại lầm lầm lì lì. Lúc ấy, mấy mẹ con chị sẽ biết điều lảng đi chỗ khác, nhưng cũng có những khi anh cố tình gây sự để trút bỏ nỗi bực dọc trong lòng.
***
Ví như cái bữa anh đánh thành con lớn. Hôm ấy vài đơn hàng của công ty bị hủy. Ngay lúc anh mở cửa bước vào nhà, chị đã thấy “mây đen giăng kín trời”. Đến bữa cơm, chị gọi thằng lớn 2 tiếng mà nó chưa chịu xuống, đoán chừng cu cậu lại mải chơi, chị vừa nháy mắt với con gái lên giục anh, vừa liếc nhìn sắc mặt chồng. Thế mà thằng bé vừa xuống đến nơi, đã thấy anh nóng mặt vơ thanh gỗ nện vào tay nó. Thanh gỗ ấy rơi ra từ kệ giày, chị chưa kịp đóng lại, vẫn còn sót cây đinh nhọn hoắt, đâm vào lòng bàn tay thằng nhỏ. Thằng bé xám ngoét mặt, đau mà không dám khóc. Chị giận anh ghê lắm, đã bao lần mấy mẹ con chị trở thành nạn nhân “bất đắc dĩ” cho những cơn giận dữ vô cớ của anh. Đêm đó, anh trở mình không yên, chị biết anh lo cho con nhưng chị cứ lặng thinh.
Hôm sau, chị làm tấm thảm này và đặt ngoài cửa. Chị bảo anh và các con: “Từ nay, trước khi vào nhà, nếu chúng ta vui vẻ, thì hãy bước qua tấm thảm này, cố gắng đừng để chân mình dẫm lên hình mọi người. Còn nếu lòng đang bực tức không vui, hãy nán lại trước cửa 15 phút, dẫm chân lên “khuôn mặt” từng người cho đến khi thấy hết bực dọc thì hãy phủi sạch bụi trên tấm thảm và bước vào nhà”. Con gái thỏ thẻ: “Nhưng con bé nhất, bước chân vào mặt bố mẹ và anh trai là hư”. Con trai cũng bảo: “Con không dám. Ngay cả khi con không vui, con cũng sẽ giữ sạch tấm thảm trước nhà”. Chị cười, còn anh im lặng.
***
Một lần, vẫn mang theo những phiền muộn ở công ty về nhà, anh cảm thấy nếu không đập phá thứ gì đó thì không sao giải phóng được nỗi bức bối đến ngộp thở trong người, vậy nên không kìm lòng được, anh dẫm mạnh chân lên tấm thảm. Bụi đất in hình đế giày chồng chéo lên nhau, như những đường vân tay khổng lồ. Khi bình tĩnh trở lại, anh bắt đầu thấy hối hận. Anh nhìn rất lâu vào nụ cười ngây thơ của con gái, đôi mắt trong veo của con trai, và nét dịu dàng đọng lại nơi khóe môi vợ, bây giờ đã lấm lem bụi bẩn mà anh có phủi thế nào cũng không sạch. Hóa ra trong cơn tức giận, ngay cả vợ và con - những người thân yêu nhất, anh cũng sẵn lòng làm tổn thương, những vết thương chẳng khác gì vết bẩn theo thời gian không thể dùng bất cứ chất tẩy rửa nào gột sạch.
Anh mang tấm thảm đi giặt, con gái thắc mắc: “Lúc con đi học về, tấm thảm vẫn còn rất sạch kia mà. Con và anh trai đã giữ gìn rất cẩn thận, mỗi lần muốn bước vào nhà đều tháo giày xách trên tay”. Anh ngượng ngùng trước cái nhìn như thấu tỏ của vợ. Con gái chỉ vào một vết bẩn trên khuôn mặt anh lắc đầu: “Là bã cao su, bố ạ, sẽ không sạch được đâu”, chốc lát con lại reo lên vui sướng: “Nhưng không sao, con sẽ vẽ lên đây một bông hoa”. Anh cười: “Được, bố con mình sẽ vẽ nhiều hoa, thành tấm thảm hoa”.
Trong cuộc sống gia đình, không thể tránh khỏi những căng thẳng, chỉ là bạn nên tìm cách nào đó để xả hết bực dọc trước khi có thể làm tổn thương những người thân yêu của mình. |