Điều đó có nghĩa rằng, bất kể một vấn đề gì cũng có cách giải quyết, không vấn đề nào được coi là bế tắc hay ngõ cụt cả.
Thường thì ngay từ khi còn nhỏ, nhiều trẻ em đã bị ông bà, bố mẹ và những người lớn trong gia đình dùng những lời dọa dẫm cốt để mong con cháu mình tốt hơn, kiểu như: “Con mà học dốt thì sau này làm ăn mày”, “Còn làm vỡ bát đĩa nữa thì chết đòn”, “Con lười tắm thế cho ra chuồng lợn ngủ”, “Bố/mẹ con mà biết thì con chết là cái chắc”...
Tất cả những lời dọa dẫm này nghe dần thành quen, có trẻ đã phải nghe suốt tuổi thơ của chúng, đến nỗi khi lớn lên chúng đã áp dụng những “bài học” này một cách triệt để. Trước bất kỳ vấn đề gì chúng gặp phải, dù rất nhỏ, chúng đều thổi phồng lên và coi đó là những điều tồi tệ nhất, không có lối thoát, không có giải pháp. Những cách tiêu cực mà trẻ lựa chọn là bỏ ăn, bỏ học, bỏ nhà ra đi, tự làm đau bản thân và cuối cùng là tự tử.
Thiết nghĩ, trẻ em rơi vào bế tắc đến mức phải tìm tới cái chết nhiều phần là do người lớn đã sử dụng sai phương pháp để dạy trẻ. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách thức dạy trẻ khi mà tỉ lệ trẻ em tự tử ngày càng gia tăng. Luôn mở ra cách giải quyết cho mọi vấn đề, dù là nhỏ nhất, sai đâu sửa đó nên là câu thần chú cho chính người lớn chúng ta.