Dạy con bằng chính sự vất vả của mẹ

17/04/2018 - 12:01
Chị bán rau ở chợ dân sinh cạnh nhà tôi như nhiều chị em lao động khác. Vì thế, ban đầu, tôi không chú ý tới chị lắm, chỉ là thi thoảng ghé qua mua hàng. Cho đến một lần cùng trò chuyện...
“Con bỏ học là làm hỏng tương lai”

Chị kể: Chị bán rau ở đây đã hơn 10 năm. Nhà chị ở ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố 35km. Hàng ngày, chị phải dậy từ 2 giờ sáng để đi mua rau, hoa quả ở chợ đầu mối Nhổn rồi vòng về bán ở khu chợ dân sinh. Mùa hè còn đỡ, việc trở dậy vào mùa đông lạnh giá, lại đúng hôm mưa phùn gió bấc luôn là nỗi ám ảnh của chị. “Có những ngày, tôi không muốn nhấc mình khỏi giường. Nghĩ về quãng đường xa xôi rét buốt, trời lại tối đen, vắng không một bóng người đang đợi mình phía trước mà kinh hãi”.

hang-rong.jpg
Ảnh minh họa


Chồng chị đi phụ xây, cũng làm quật quần cả ngày ở các công trình xây dựng. Việc buôn bán ngoài chợ, chị thường tự đảm nhiệm một mình, để anh ngủ trọn giấc còn tái tạo sức lao động. Vợ chồng chị sinh được 3 con. Gia đình 5 miệng ăn trông cả vào thu nhập của hai vợ chồng. Vì thế, chỉ trừ những lúc ốm đau, hay nhà có việc quan trọng, chị mới nghỉ chợ. Còn lại, ngay cả khi những người thành phố dậy sớm nhất để đi chợ thì cũng đã thấy chị ngồi ở đó, rau cỏ bày sẵn từ bao giờ.

Chị kể với tôi: Động lực để chị quên đi vất vả chính là 3 đứa con. Trong đó, con trai đầu của chị hiện đang học năm thứ 2 đại học lớn ở Thủ đô. Hai năm rồi, con trai chị đều được nhận học bổng của trường. Trước đó, con chị cũng từng thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm, nhưng sau đó, thấy mẹ vất vả phải nuôi mình ăn học, cháu đã bỏ học với mong muốn về nhà phụ việc cho mẹ. Biết chuyện, chị rất giận và nói với con: “Mẹ không bao giờ chấp nhận để con thất học. Mẹ dù vất vả thế nào cũng sẽ nuôi con nên người”.
 
Chị mặc dù mới chỉ học hết lớp 5, chồng chị cũng học hết THCS là nghỉ nhưng cả hai đều hiểu giá trị của con chữ. Vì thiếu chữ mà anh chị chỉ có thể làm việc lao động chân tay với thu nhập thấp. “Nếu ngày nào buôn may bán đắt, chật vật từ sáng sớm tới khuya, em mới thu lời chút đỉnh. Tuy nhiên, có những ngày mua phải lô hàng củ quả bị hỏng nhiều thì còn âm vào vốn”- chị kể. Chị thường bán mùa nào thức đó. Những ngày gần đây, khi dứa vào mùa, mỗi ngày chị gọt cả bao tải dứa bán cho khách.

Chị chìa cho tôi xem đôi bàn tay lúc nào cũng tấy đỏ, chia sẻ: “Mỗi quả dứa, em chỉ xin của khách thêm 1.500 đồng. Gọt 10 quả, em mới có 15.000 đồng. Để có được 150.000 đồng mua gạo cho con, em sẽ phải gọt tới 100 quả dứa nhưng đổi lại, hai bàn tay cũng tãi ra”.

Song, chị lại lấy sự vất vả của mình để nói với con: “Con nhìn mẹ để thấy mình cần làm gì. Con bỏ học, có thể giúp mẹ kiếm thêm chút tiền qua ngày nhưng về lâu dài, con đang làm hỏng tương lai”. Thế là chị yêu cầu con phải học để năm sau thi lại đại học. Cuối cùng, con chị đã đỗ vào trường đại học top đầu ở Thủ đô.

Dạy con nên người
Năm đầu tiên học ĐH, con chị xin đi gia sư để kiếm thêm tiền, bớt gánh nặng nuôi con cho mẹ. Nhưng, chị lại không đồng ý. Chị nói năm học đầu, con cần tập trung học tốt đã, nếu con sao nhãng cho việc làm thêm thì lại ảnh hưởng học tập. Khi nào con cứng cáp hơn, con kiếm tiền cũng chưa muộn. Chị nói, bao năm qua, vì dành tiền chăm lo cho gia đình mà chị chưa từng được mua áo mới, hay đi đây đó. Nhưng đổi lại, chị lại rất tự hào vì là người có nhiều “của để dành” nhất ở trong xóm.

Con trai chị từ nhỏ đã ham học và học giỏi. Có năm, chị mấy lần được chứng kiến con lên bục nhận phần thưởng, bằng khen các loại. Hai con gái chị cũng tiếp bước anh, luôn là học sinh giỏi, dẫn đầu cả khối trong trường học. Nhiều người nhìn chị, còn ghen tị: “Sao ông trời thương, cho chị ba đứa con tuyệt vời. Đúng là chị có phúc phận”. Những lúc đó, chị chỉ cười, tự nhủ: “Chả có ông Trời nào cho mình phúc phận. Chỉ là mình tự tạo phúc phận cho mình thôi. Với chị, phúc phận đó có được chính là thông qua việc dạy những đứa con nên người”.

Không chỉ động viên con tập trung học, chị cũng xác định phải dạy con tự lập, biết thương mẹ. Vì anh chị vất vả cả ngày mưu sinh, nên các con chị từ lúc học tiểu học đã biết làm việc nhà. Bây giờ, các con chị đã thành nếp, bảo ban nhau học tập, lo việc để bố mẹ về tới nhà chỉ việc nghỉ ngơi. Từ lâu rồi, chị không còn phải vào bếp nấu cơm, hay lo rửa bát, quét nhà. Chị xác định mẹ đã đi kiếm tiền nuôi các con, thì các con phải có nghĩa vụ báo đáp lại theo khả năng của mình. Trong gia đình, ai cũng có quyền và nghĩa vụ của mình.

Dù vất vả, nhưng gương mặt chị lúc nào cũng toát lên vẻ nhẹ nhõm. Chị chưa bao giờ phải lo con hư hỏng, dính vào các tệ nạn như hút hít, trộm cắp. Bởi, các con chị đều rất thương bố mẹ, thấu hiểu sự vất vả của bố mẹ và biết làm gì là đúng, là sai.
Đã mấy lần hai vợ chồng chị lên thăm con trai lớn học đại học ở thành phố. Nhiều người làng còn hỏi chị có lo con sẽ xấu hổ khi có bố mẹ chỉ là bán rau, phụ hồ không? Thực tế, con trai chị không xấu hổ, mà còn tự hào vì có bố mẹ làm ăn lương thiện, kiếm tiền chân chính.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm