Dây hụi trên 100 triệu đồng phải đăng ký với chính quyền, liệu có khả thi?

03/03/2019 - 11:46
Hụi, biêu là một hình thức huy động vốn trong dân gian Việt Nam và thường do phụ nữ thực hiện. Tuy nhiên, nhiều năm qua có rất nhiều vụ bể hụi, chạy hụi khiến nhiều người lao đao. Vừa qua, Chính phủ dự thảo Nghị định mới về vấn đề này nhằm khắc phục tình trạng thiệt hại cho người tham gia. Trước Nghị định mới, nhiều người còn băn khoăn về cơ sở để thực thi.

Từng là nạn nhân của một vụ giật hụi và bị mất trên 20 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Vy (quận 6, TP.HCM) khẳng định sẽ không bao giờ chơi hụi lần nào nữa. Chị Vy cho biết: Năm 2016, chị tham gia chơi hụi với một chủ hụi tên Ngân, thường gọi là Ngân "hụi". Dây hụi đầu chị tham gia đóng 2 triệu đồng/tháng, tổng dây hụi có 10 người tham gia, nếu ai hốt hụi phải chung tiền hoa hồng riêng cho Ngân "hụi" là 500 ngàn đồng. Mức tiền tối thiểu để được hốt tối thiểu 1 triệu đồng. Chị chơi tới tháng thứ 9 tức là gần mãn hụi là hốt ra, tiền lời và gốc gần được 30 triệu đồng. Thấy lời nhiều nên chị Vy xin chơi tiếp và chơi 2 chân, khi đóng đến tháng thứ 5 thì thấy Ngân "hụi" chuyển chỗ trọ mới. Cảm thấy nghi ngờ chị Vy đề nghị hốt hụi nhưng bà Ngân bảo đã có người hốt trước rồi. Đến tháng thứ 6 thì chị Vy mất liên lạc hoàn toàn với Ngân "hụi".

 

Như vậy, chỉ tính riêng tiền gốc trong 5 tháng chung, chị Vy đã mất 20 triệu đồng. “Tôi buôn bán vỉa hè mỗi tháng thu nhập hơn 6 triệu thôi, mới đầu tôi không có ý định chơi hụi đâu nhưng dì Sáu bán tạp hóa gần trọ nói chơi hụi lời lắm nên ham. Mỗi tháng bỏ 2/3 số tiền thu nhập để đóng hụi, tôi hy vọng được hốt hụi chót kiếm thêm ít đồng lời. Ai ngờ bị mất hết. Bây giờ đến già tôi cũng không chơi nữa, ăn chắc mặc bền cho yên tâm”. Chị Vy bộc bạch.

a1.jpg
Một vụ vỡ hụi khiến nhiều tiểu thương lao đao 

Không riêng gì chị Vy mà còn rất nhiều trường hợp tương tự bị giật hụi với số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí là cả tiền tỷ xảy ra trên địa bàn TP.HCM trong những năm qua. Nhiều vụ việc vẫn còn trong giai đoạn điều tra làm rõ thì lại có vụ mới xảy ra. Các vụ giật hụi lớn chủ yếu xảy ra ở các tiểu thương trong chợ, các tuyến đường buôn bán lớn…

 

Để giảm thiểu những rủi ro cho người tham gia hay những biến tướng thành cho vay nặng lãi gây hệ lụy trong xã hội trong thời gian vừa qua, mới đây, Nghị định 19/2019 về họ, hụi, biêu, phường của Chính Phủ vừa ban hành quy định chi tiết về nguyên tắc tổ chức họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là hụi); điều kiện làm thành viên, chủ hụi; gia nhập, rút khỏi hụi; văn bản thỏa thuận về hụi; thứ tự lĩnh hụi, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ hụi.

 

Điều đáng quan tâm là nghị định cũng quy định chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi từ 100 triệu đồng/kỳ mở; hoặc tổ chức từ 2 dây hụi trở lên. Về lãi suất, nếu hụi có lãi thì phải do các thành viên thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi, nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi. Nghị định có hiệu lực từ ngày 5/4/2019.

 

Mặc dù các quy định là tốt nhưng khá nhiều người bày tỏ băn khoăn về cơ sở để thực thi. Nếu các chủ hụi không thi hành cũng chưa có chế tài ràng buộc, vì hụi là thỏa thuận dân sự dựa trên niềm tin.

 

Chị Lê Hoàng Thúy Nga (quận Tân Phú, TPHCM) phân tích: “Chơi hụi trước nay do các thành viên thỏa thuận ngầm, ít khi công khai ra bên ngoài. Các thành viên tin tưởng chủ hụi mà tham gia. Thực tế, những người tham gia hụi đa phần là người dân ít am hiểu pháp luật, họ thường e ngại khi làm việc với chính quyền”.

 

Một đại diện công ty Luật sư Đại Việt tại TPHCM còn chỉ ra rằng: Hụi không phải là một ngành nghề kinh doanh. Nếu đăng ký như đăng ký tổ hợp tác, đăng ký hộ kinh doanh rất khó.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm