Bác sĩ Phúc cho rằng, sữa có thể gây ra tiêu chảy cho bệnh nhi ở nhiều dạng, có thể do bản thân sữa hoặc do một tác nhân nào đó lây nhiễm vào sữa gây ra. Nếu là do bản thân sữa thì là khi em bé không có men để tiêu hóa đường trong sữa sẽ dẫn đến tiêu chảy hoặc em bé không có men để tiêu hóa chất béo trong sữa thì cũng dẫn đến tiêu chảy.
Cũng có trường hợp em bé uống sữa xong không bị tiêu chảy nhưng bị đau bụng, tùy theo lứa tuổi hoặc lượng men trong cơ thể em bé có thể tiêu hóa được sữa đó hay không.
Theo bác sĩ Phúc: Tại một thời điểm nào, trong cơ thể em bé, men lactase (men cần thiết để tiêu hóa đường lactose, loại đường chính của sữa) vẫn còn nguyên thì em bé uống sữa không có vấn đề gì. Nhưng vào một thời điểm khác, khi men lactase không còn đủ để tiêu hóa lượng sữa đó thì khi em uống sữa vào sẽ bị đau bụng hoặc tiêu chảy tùy từng mức độ.
Trưởng khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, càng lớn, lượng men lactase sẽ dần giảm xuống, thường sẽ giảm từ 5 tuổi nhưng cũng có em bé lượng men này bắt đầu giảm từ lúc 2 tuổi. Có những người, đến khoảng 70-80 tuổi thì lượng men lactase mới giảm xuống đến mức không uống sữa được. Nhưng cũng có người lượng men này bị giảm đột ngột, có thể 5-7 tuổi là không thể uống sữa được nữa.
Bác sĩ Phúc cho biết, các công ty sữa thường đóng hộp sữa có thể tích 180 – 200ml là do đây là lượng sữa để dành cho một người mà lượng men lactase trong cơ thể ở mức độ tối thiểu thì người đó vấn có thể uống sữa được mà không có triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng.
“Người không có men lactase trong cơ thể thì vẫn được xem là… bình thường, bởi theo nghiên cứu thì hơn 90% người Việt không còn men lactase trong cơ thể”, bác sĩ Phúc nói.