'Dậy sóng' hình ảnh cái chết của em bé tị nạn Myanmar

05/01/2017 - 17:38
Bức ảnh cậu bé tị nạn Rohingya Mohammed Shohayet (16 tháng tuổi) chết úp mặt vào vũng bùn trên đường lánh nạn từ Myanmar đến Bangladesh gây rúng động thế giới về số phận của những người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
mohammed-shohayet-1.jpg
Cậu bé Mohammed Shohayet, 16 tháng tuổi, chết úp mặt xuống bùn
Cậu bé Mohammed Shohayet (16 tháng tuổi) cùng mẹ, anh trai và một người bác đã rời bang Rakhine của Myanmar lên đường tới Bangladesh lánh nạn. Tại ngôi làng mà họ đang sinh sống, bạo lực xảy ra liên miên khiến cuộc sống bấp bênh và gặp muôn vàn khó khăn. Họ tìm đến vùng đất mới với hy vọng về một cuộc sống yên ổn hơn. Thế nhưng số phận đã không mỉm cười với cậu bé Shohayet và gia đình em. Con thuyền chở họ qua sông Naf (nằm ở biên giới Myanmar – Bangladesh) đã bị chìm và Shohayet được tìm thấy khi đã chết nằm úp mặt xuống vũng bùn.

Đây là bức ảnh thứ hai về cái chết thương tâm của một em bé tị nạn gây rúng động thế giới sau bức ảnh cậu bé 3 tuổi người Syria Alan Kurdi chết úp mặt trên bãi biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9/2015.
mohammed-shohayet-5.jpg
Cậu bé 3 tuổi người Syria Alan Kurdi chết úp mặt trên bãi biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9/2015
Kể về cái chết thương tâm của con trai, anh Zafor Alam nghẹn ngào: “Một người nào đó đã gọi điện và gửi cho tôi bức ảnh thi thể con trai tôi. Tôi thấy trời đất sụp đổ và cuộc đời không còn ý nghĩa gì vì cả vợ và hai con tôi đã chết trên đường chạy trốn sang Bangladesh”. 
mohammed-shohayet-3.jpg
Anh Zafor Alam - cha của Mohammed Shohayet
Người Hồi giáo Rohingya được coi là một trong những tộc người thiểu số bất hạnh nhất thế giới. Bất chấp việc người Rohingya đã sống tại bang Rakhine từ nhiều đời nay, chính phủ Myanmar không thừa nhận họ và coi là là những người di cư từ Bangladesh sang chiếm đất Myanmar. Anh Alam cho biết, dân làng đã tìm đường chạy qua biên giới sang Bangladesh để tránh bạo lực. Hiện có khoảng 1 triệu người Hồi giáo Rohingya đang bị quân đội chính phủ săn lùng ráo riết sau sự kiện 9/10/2016, khi một số sỹ quan quân đội Myanmar bị tấn công bởi một số người nghi là người Hồi giáo. Anh Alam kể: “Tôi đã đi bộ 6 ngày, suốt 4 ngày tôi không ăn gì, cũng không thể ngủ được. Chúng tôi liên tục di chuyển vì quân đội truy lùng”.
mohammed-shohayet-6.jpg
Zafor Alam chia sẻ tấm hình về cái chết của con cho mọi người
Trong cuộc chạy trốn, anh Alam đã lạc mất gia đình mình. Anh được các ngư dân Bangladesh cứu sống khi đang bơi qua sông Naf. Vợ con anh bị kẹt vì không thể bơi qua sông. Lần cuối anh liên lạc với vợ con là vào ngày 4/12/2016. Chỉ vài giờ sau cuộc điện thoại đó, cả gia đình Alam chuẩn bị đi thuyền qua sông Naf. Chiếc thuyền quá tải và bị chìm và đến ngày 5/12, anh Alam mới tìm thấy thi thể của vợ và hai con trai anh.

Tổ chức Di cư quốc tế cho biết đã có khoảng 34.000 người Rohingya vượt sông sang Bangladesh chỉ trong vài tuần gần đây. Chính dòng sông Naf là mồ chôn biết bao số phận người di cư Rohingya đau khổ. “Tôi hiện không có nơi ăn chốn ở, sống lay lắt cho qua ngày đoạn tháng cùng em gái 18 tuổi, em trai 14 tuổi trong trại tị nạn Leda ở Bangladesh”, anh Alam nức nở.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm