Dạy thêm, học thêm: Cấm cứ cấm, dạy cứ dạy

14/10/2017 - 07:17
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, song việc làm này chỉ mang tính “đến hẹn lại lên” vì cơ quan quản lý cấm thì cứ cấm còn thực tế việc tổ chức dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra phổ biến.

Học thêm vì cô bảo con học kém

Chị Thu Hà (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) có con gái học lớp hai tại một trường tiểu học hàng “điểm” trong địa bàn quận, khi nhắc đến việc học thêm của con đã vội chán ngán: “Hôm qua cô giáo con tôi lại vừa trao đổi với phụ huynh và nhắc khéo tôi là con học hơi chậm so với các bạn. Cô giáo thẳng thắn nói với tôi là nên cho con học thêm ở nhà cô vào cuối tuần, chỉ 1 tuần 1 buổi thôi là việc học của con sẽ khả quan hơn!”.

Nữ phụ huynh chia sẻ, thực ra đây không phải là lần đầu tiên chị được giáo viên của con đề nghị đi học thêm để cải thiện tình hình. Trước thời điểm con gái chị vào lớp 1 vào năm ngoái, việc học thêm đã được các giáo viên trong trường chủ động tổ chức vào dịp hè.

Theo đó, khoảng hơn 1 tháng trước khi vào năm học mới, nhiều cô giáo tổ chức hình thức học hè tại nhà theo kiểu “vừa học vừa trông trẻ”. Con gái chị Hà sau khi “tốt nghiệp” mẫu giáo vào cuối tháng 5, chị không thể ở nhà trông con nên đã gửi con vào học tại nhà cô.

Trẻ tiểu học đang bị quá tải vì bị ép học thêm. Ảnh minh họa

“Khoảng 1 tháng hè, hàng ngày con tôi đến nhà cô học từ sáng, buổi trưa được cô nấu cơm cho ăn và chiều đón về. Mỗi buổi khoảng 100.000 đồng, nhưng tôi còn thấy hợp lý vì con vừa được trông, vừa được cô cho làm quen với việc học khá nhẹ nhàng, lại dịp hè. Đằng này thời điểm trong năm học, việc học thêm tôi thấy không cần thiết với con!”- chị Hà nói.

Cũng vì thấy không cần thiết nên chị Hương Thu, phụ huynh có con học lớp 4 một trường tiểu học tại quận Đống Đa, đã không ngần ngại chối từ lời “mời gọi” của giáo viên đối với việc học thêm của con.

“Cô giáo cũng bảo con tôi học kém, nhưng tôi đã nói thẳng là việc học của con tôi sẽ dành thêm thời gian để kèm cho con. Các cô ở lớp học sinh đông, như lớp con tôi là gần 60 cháu, khó lòng quản hết được. Tôi đành cố thu xếp thời gian dạy con học chứ cả tuần đã học rồi, cuối tuần lại bắt con đến nhà cô giáo, tôi thấy thương con lắm!” - chị Thu nói.

Điều đáng nói là con chị Thu thuộc dạng học sinh “hiếm” trong lớp nói không với việc học thêm tại nhà cô. Theo nữ phụ huynh, quá 2/3 học sinh của lớp con chị chọn cách học thêm do cô giáo tổ chức.

“Nhiều phụ huynh tâm sự với tôi là họ ngại cô giáo, họ cũng sợ con mình cảm thấy lạc lõng nếu không đi học thêm. Nhưng tôi không nghĩ vậy, con mình ra sao còn phụ thuộc rất lớn vào định hướng của cha mẹ dành cho con. Nếu cha mẹ không xem học thêm là một việc cần thiết và không gây áp lực việc học đến con, thì con cũng sẽ không ngại ngùng và thấy mình lạc lõng khi không đi học thêm” - chị Thu cho biết.

Học thêm ở bậc tiểu học: Không cần thiết!

Dù muốn hay không, việc học thêm vẫn tồn tại như lẽ tất yếu “có cung thì có cầu” ở đa số các trường công lập. Với tình trạng lớp học quá tải, giáo viên không thể bao quát hết việc dạy học cũng như lượng kiến thức ở lớp quá nhiều ở các cấp học THCS và THPT, việc học thêm vẫn khiến nhiều phụ huynh và chính học sinh không thể không lựa chọn việc học thêm để có thể thi đỗ.

Tuy nhiên, với cấp học tiểu học, theo các chuyên gia, đây là giai đoạn trẻ bắt đầu làm quen với trường học, bạn bè. Nội dung kiến thức ở bậc Tiểu học khá đơn giản và không quá phức tạp. Bố mẹ chỉ cần đầu tư một chút thời gian là có thể hướng dẫn giúp con học tập tại nhà mà không cần phải đi học thêm.

Với chương trình học hiện nay ở phần lớn trường Tiểu học, các em đã dành tới 8 tiếng mỗi ngày để học tập trên trường, khi về nhà lại tiếp tục đi học thêm sẽ thực sự là quá tải.

Muốn giảm tải tình trạng học thêm ở cấp học này, lời khuyên được đưa ra là chính phụ huynh phải là người chủ động giảm gánh nặng học thêm cho con. Việc cho trẻ đi học thêm quá sớm dễ khiến các em ỷ lại, lười suy nghĩ mà trông chờ vào việc kèm cặp, ôn luyện của giáo viên, gia sư...

Bên cạnh đó, học sinh tiểu học đang trong độ tuổi phát triển cả về trí tuệ và thể chất, khả năng tập trung còn thấp, mặc dù hoạt động chủ đạo đã chuyển từ vui chơi sang học tập, song chủ yếu vẫn là hình thức vừa học vừa chơi. Việc ép con học quá nhiều sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi quá mức, gây ức chế tinh thần, trẻ sợ học và càng lười học hơn.

Tất cả những điều này, phụ huynh có thể điều chỉnh được. Hãy thẳng thắn từ chối những lời mời gọi của giáo viên, chấm dứt định kiến con không học thêm thì không theo được bạn, không được cô quan tâm. Khi bản thân cha mẹ cảm thấy học thêm là điều không cần thiết, khi đó tình trạng học thêm sẽ tự khắc giảm tải.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm