ĐBQH bức xúc khi bác sĩ bị hành hung đến mức trầm cảm, bỏ nghề

30/10/2019 - 16:17
“Có cán bộ y tế phải bỏ mạng khi đang cấp cứu cho bệnh nhân”, Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (đoàn Hưng Yên) đã bức xúc nêu thực trạng về sự an toàn của môi trường hành nghề y tế, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng nay, 30/10.

Dẫn chứng cho nhận định của mình, ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) nêu số liệu từ năm 2010 đến năm 2017, có 22 vụ hành hung y, bác sỹ. Trong năm 2018 có 3 vụ đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sỹ, điều dưỡng.

Cũng theo bà, từ đầu năm 2019 đến nay, mặc dù chưa có số liệu thống kê, nhưng ở nhiều nơi vẫn thấy có hiện tượng cán bộ y tế bị hành hung, nhưng đây chỉ là những con số bề nổi được phát hiện. Còn rất nhiều những vụ bạo hành mà nhân viên y tế thầm lặng chịu đựng hoặc không báo cáo.

 

ĐB Vũ Thị Nguyệt lo lắng về tình trạng mất an toàn trong ngành y. Ảnh: quochoi.vn

“Qua những vụ việc nêu trên cho thấy một vấn đề không bình thường là thay vì người bệnh cần lắng nghe, tuân thủ chỉ dẫn thì xuất hiện tình trạng một số người bệnh và người nhà người bệnh muốn điều khiển bác sĩ theo ý muốn, đòi hỏi không hợp lý, đe dọa tinh thần, tính mạng của các y, bác sĩ. Thật không quá, khi nhiều đồng nghiệp của tôi nhận định rằng đây thực sự là một nghề nguy hiểm”- nữ đại biểu nhận định.

Về hậu quả, ĐB Nguyệt cho rằng hậu quả gây ra cho đội ngũ y tế là đáng “đau buồn”, ngoài nỗi đau về thể xác, cán bộ y tế còn mang nỗi đau tinh thần, có người trầm cảm, thậm chí bỏ nghề chuyển sang nghề khác.

Mổ xẻ nguyên nhân, ĐB Vũ Thị Nguyệt cho rằng từ hai phía. Về phía người bệnh và người nhà bệnh nhân với tâm lý lo lắng, sốt ruột khi tới bệnh viện đã có những hành động nóng nảy thái quá, đôi khi là mất kiểm soát. Còn về phía cán bộ y tế thì do không có phương pháp làm việc đúng về giao tiếp, ứng xử. Và mặc dù ngành ý tế có nhiều nỗ lực để cải thiện tình hình, nhưng thực trạng này vẫn diễn ra.

Từ những nhận định trên, ĐB Vũ Thị Nguyệt đề xuất Chính phủ, ngành y tế tập trung hơn đến đội ngũ cán bộ, bồi dưỡng không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn cả về tâm lý, kỹ năng tư vấn và xử lý tình huống để tránh gây ra bức xúc không đáng có.

Cũng theo bà, cần chú trọng hơn với hoạt động tuyên truyền phòng chống bạo lực, phê phán các hành vi tiêu cực trên tinh thần xây dựng, tránh một chiều. Cùng với đó là cần tăng cường các biện pháp an ninh tại các vị trí cơ sở y tế có nguy cơ cao về mất trật tự như là hệ thống camera, chuông báo động, an ninh. Cần phải có cơ chế phối hợp hợp chặt chẽ giữa y tế và lực lượng an ninh.

Một vấn đề mấu chốt nữa để cải thiện điều này chính là cải tiến quy trình khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, tăng thời gian tư vấn... Có như vậy mới “hạ nhiệt” tình trạng đối kháng không đáng có giữa hai phía, giúp cán bộ y tế yên tâm khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ.

 

1 vụ nhân viên y tế bị hành hung

 

Cũng liên quan đến ngành y tế, ĐB Bùi Thu Hằng (đoàn Hòa Bình) băn khoăn về cơ chế tự chủ tại bệnh viện công lập. Theo bà, dù mang cơ chế tự chủ nhưng hiện tại 100% kinh phí chi thường xuyên trong chi trả tiền lương lại không được tự quyết, dẫn đến khó khăn trong việc giữ chân bác sĩ giỏi.

Thứ hai, việc thực hiện tự chủ đối với các bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là khu vực vùng núi, vùng sâu vùng xa gặp rất nhiều khó khăn do người dân có mức sống chưa cao và khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế.

“Tôi đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về xã hội hóa, trong đó có nội dung về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập. Đồng thời, Bộ Y tế và các bộ liên quan tăng cường năng lực quản lý của lãnh đạo bệnh viện, nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai minh bạch trong quản lý” - ĐB Bùi Thu Hằng cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm