ĐBQH lo ngại tình trạng thu mua đất nông nghiệp chờ nhận giá đền bù, bỏ hoang đất

PV
25/05/2020 - 15:21
ĐBQH lo ngại tình trạng thu mua đất nông nghiệp chờ nhận giá đền bù, bỏ hoang đất
Hôm nay 25/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại việc miễn thuế có tác động tiêu cực cho một bộ phận nông dân thiếu tích cực trong sản xuất nông nghiệp trên diện tích nông nghiệp được nhà nước giao thiếu hiệu quả.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp có tác động tích cực thúc đẩy cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản.

Thực tế hiện nay, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân lại khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước. Theo đại biểu Hòa, cần có chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho những giai đoạn tiếp theo cho các đối tượng nói trên.

Ngoài ra, còn góp phần hỗ trợ, tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân, giảm áp lực lao động đi làm việc tại các địa phương khác. Tác động tích cực cho việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và tích tụ ruộng đất.

Mặt khác, đại biểu Hòa cho rằng, miễn giảm thuế nông nghiệp cũng có tác động tiêu cực cho một bộ phận nông dân thiếu tích cực trong sản xuất nông nghiệp trên diện tích nông nghiệp được nhà nước giao thiếu hiệu quả. Có tình trạng đất bỏ hoang hóa chưa được thu hồi, có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận giá đền bù, bỏ hoang không sản xuất.

Theo đó, đại biểu này đề xuất: Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với hầu hết các đối tượng, số còn lại phải thu. Công tác quản lý đất nông nghiệp phải chặt chẽ đến từng thửa ruộng, lập sổ sách theo dõi hàng năm. Đồng thời xem xét các trường hợp cá nhân, hộ gia đình mua đất nông nghiệp không trực tiếp sản xuất mà để cho chủ cũ trực tiếp sản xuất. Khi nhà nước đền bù có hỗ trợ thì lại xảy ra tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới, thậm chí có nơi không được hỗ trợ cho ai.

Cũng bày tỏ đồng tình, đại biểu Trần Thị Hoa Ry, đoàn ĐBQH Bạc Liêu, cho rằng, về đối tượng miễn thuế đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đối với các tổ chức, cá nhân nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế quan tâm đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng cần có sự phân loại và quy định đối với một số đối tượng cho phù hợp, "chứ không phải là một nghị quyết chỉ kéo dài thời gian thực hiện".

ĐBQH lo ngại tình trạng thu mua đất nông nghiệp chờ nhận giá đền bù, bỏ hoang đất - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, đoàn ĐBQH Bạc Liêu

Cụ thể, tại điểm b khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 55, trong đó có quy định là đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị kinh tế khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho các tổ chức, cá nhân khác nhận thầu hợp đồng hoặc sản xuất đất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi theo quy định của Luật Đất đai và trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo đại biểu Hoa Ry, cần phải có sự cân nhắc vì trong thời gian vừa qua quy định này chưa được thực hiện một cách triệt để. Qua giám sát trong thực tiễn cũng cho thấy một số công ty nông lâm nghiệp, tình trạng này còn khá phổ biến; nhiều công ty thua lỗ, hiệu quả sản xuất không cao và đất đai chủ yếu là khoán trắng, phát canh, thu tô không quản lý, sử dụng mà chủ yếu là giao khoán. 

Cá biệt có những đơn vị, thu nhập chủ yếu của công ty là dựa vào hoạt động từ dịch vụ cho thuê này nhưng một số địa phương và tổng công ty vẫn trình phương án duy trì chuyển đổi mà chưa mạnh dạn đề xuất để giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Mặt khác, cũng chính từ những quy định này làm giảm hiệu quả sử dụng đất và có những đơn vị không chỉ sử dụng kém hiệu quả, quản lý không chặt mà còn dẫn đến những tranh chấp phát sinh rất phức tạp trong thời gian vừa qua.

Còn về thời hạn miễn thuế, đại biểu Nguyễn Hồng Vân, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, tán đồng với phương án kéo dài thời gian miễn thuế là 10 năm, đến hết ngày 31/12/2030. Theo đại biểu, lần này tiếp tục quy định miễn thuế 10 năm nữa thì thời gian dài vừa là đảm bảo tính ổn định nhưng thể hiện tính nhất quán về chủ trương, chính sách của Đảng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sẽ tạo động lực tốt hơn.

ĐBQH lo ngại tình trạng thu mua đất nông nghiệp chờ nhận giá đền bù, bỏ hoang đất - Ảnh 2.

Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp có tác động tích cực thúc đẩy cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Theo Tờ trình của Chính phủ, năm 2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế Sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) đến hết năm 2020. 

Theo đó, Quốc hội đã quyết định miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2020 cho hầu hết các đối tượng, trừ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp 100% thuế SDĐNN.

Tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm. 

Hệ thống doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã hình thành với trên 50.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 10.200 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản (50% doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, 35% doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản và 15% doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp). Số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước (trong đó có tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm