Để ban phụ huynh thu tiền trường là hiệu trưởng muốn lẩn trách nhiệm

27/09/2017 - 17:27
Lại một chuyện đáng buồn về tình trạng lạm thu diễn ra ở TP.HCM, khi ban đại diện cha mẹ HS phải trả lại các khoản thu lên đến 332 triệu đồng PH đóng đầu năm học chỉ vì… tự ý thu.

Thu sai, ban phụ huynh trả lại là xong?

Vừa qua, Ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) trường Tiểu học Hoàng Diệu (Thủ Đức, TP.HCM) đã trả lại các khoản thu lên tới 332 triệu đồng cho phụ huynh đóng đầu năm học. Đại diện nhà trường xác nhận, số tiền liên quan đến dự thảo Công trình Hội cha mẹ học sinh năm học 2017-2018 với 48 khoản thu lên tới 332 triệu. Ban đại diện cha mẹ HS đã tiến hành trả lại tiền cho các phụ huynh đã đóng.

Đây là mức thu dựa vào dự thảo và đang cần lấy ý kiến góp ý của cha mẹ HS. Tuy nhiên, đại diện PH nhiều lớp đã tự ý triển khai thu ngay tại buổi họp PH mà chưa qua bất cứ cuộc thảo luận lấy ý kiến nào.

Dự thảo công trình của ban đại diện cha mẹ HS trường TH Hoàng Diệu chưa thông qua ý kiến đã vội thu tiền 

Trước đó, tại đại hội trù bị cha mẹ HS đầu năm của trường Tiểu học Hoàng Diệu, bản dự thảo chi tiêu dự kiến cho các hoạt động từng tháng trong năm được đưa ra, chủ yếu dành cho lễ hội, văn nghệ … Mỗi lớp cần đóng 9 triệu đồng, bình quân mỗi HS đóng 25.000 đồng/tháng, tổng cộng lên tới 332 triệu đồng.

Sự việc đáng tiếc trên càng khiến xã hội bức xúc trước hoạt động thiếu hiệu quả của ban đại diện cha mẹ HS, tổ chức thu các khoản tiền mang tính tự nguyện song làm thiếu quy trình, thiếu dân chủ. Thay vì lấy ý kiến của PH, thậm chí phải biểu quyết theo số đông, ban PH đã tự ý quyết định số tiền cần thu.

Một lần nữa, dư luận đặt câu hỏi về thẩm quyền của ban PH một trường học đến đâu? Khi xảy ra sự sai trái rồi, họ có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay chỉ đơn thuần thu rồi thì… trả lại là xong?

Thêm một câu chuyện quá buồn của ngành giáo dục từ đầu năm học đến nay, khi mà trước đó, ngay tại Thủ đô, Hiệu trưởng của một trường mầm non cũng đã phải trả lại PH số tiền 520 triệu đồng lạm thu. Cũng là lạm thu, nhưng là do nhà trường tự ý… thu hộ PH bằng chữ ký giả.

Ban PH nên chấm dứt việc thu tiền hộ trường?

Không phải không có lý do mà dư luận đặt ra câu hỏi về vai trò thực sự của một ban đại diện cha mẹ HS, thậm chí không ít người “vạch trần” rằng, ban PH không khác nào cánh tay nối dài của nhà trường, thu hộ nhà trường các khoản tiền và mọi nguồn tiền đều chảy về túi nhà trường mà thôi.

Nhiều cha mẹ vì chứng kiến, bức xúc với ban đại diện cha mẹ HS làm sai mục đích, vai trò, đi ngược lại niềm tin mà đa số PH gửi gắm, đã đề xuất giải tán ban PH như một cách chấm dứt tình trạng lạm thu.

Trao đổi vấn đề này với Báo Phụ nữ Việt Nam chiều 27/9, TS. Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội - thừa nhận, có tình trạng Ban PH đứng ra thu hộ nhà trường các khoản thu "quá tay".

TS Nguyễn Tùng Lâm nêu lên nhiều ý kiến về vai trò của ban phụ huynh và tình trạng lạm thu. Ảnh: D.H

Ông chỉ rõ, mục đích ban PH thu tiền là do Hiệu trưởng trốn tránh trách nhiệm, muốn thu nhưng để hợp thức hóa thì phải thông qua ban PH. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần giải tán ban PH, cũng chưa chắc giải quyết được gốc rễ vấn đề và hạn chế tình trạng lạm thu. Bởi dù ban PH hay người khác thu, thì thực tế vẫn có nhiều khoản cần thiết phải thu, và tiền vẫn về “túi” nhà trường.

“Tôi được biết Bộ GD&ĐT đang tính toán xem có nên để ban PH đứng ra thu tiền nữa hay không. Việc thu tiền để phục vụ nhu cầu học tập và sinh hoạt của HS là có, vẫn phải có những khoản cần thiết để thu. Còn việc ai thu thực ra chỉ có tính chất hành chính. Ai thu cũng được, nhưng phải thu đúng tiền, đúng quy trình”- TS. Tùng Lâm nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, tiền của PH nếu thu phải thu đúng mục đích sử dụng, có nguyên tắc và phải được ủng hộ thông qua. Làm được điều này mới giải quyết được gốc rễ vấn đề.

“Vấn đề đang “mắc” nhất hiện nay là PH và nhà trường đang đùn đẩy nhau việc thu tiền. Tôi nghĩ cần phải có sự tham gia của bên thứ ba để giám sát, đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Chuyện tài chính theo đó không còn là chuyện nội bộ nữa mà trở nên minh bạch, công khai và có tính chịu trách nhiệm với xã hội do có sự tham gia của chính quyền địa phương”- TS. Tùng Lâm đề xuất.

Một trong những khoản thu cần được giám sát chặt chẽ nhất, theo TS Tùng Lâm chính là tiền xã hội hóa. Đây là khoản phải được giám sát, để người dân tham gia bàn bạc, có chấp nhận đóng hay không, đóng đến đâu và đóng như thế nào? Phải tìm ra người đại diện chính quyền có trình độ để giám sát thực thi chứ không phải là “quyền bù nhìn”.

“Trước mắt, việc quyết định ban PH có được thu tiền nữa hay không thì Bộ GD&ĐT phải sớm quyết và đưa ra giải pháp để sớm chấm dứt tình trạng lạm thu, trả lại tiền. Nên cân nhắc đến yếu tố giám sát của cộng đồng, trên cơ sở sử dụng người tài”- ông nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Tùng Lâm, giải quyết dứt điểm câu chuyện lạm thu cũng là giảm những chuyện thái quá đến mức chua xót như việc PH đòi lại quà của GV. “Tôi không ủng hộ PH có hành vi này, dù bức xúc đến đâu nhưng cũng cần xử sự có tình có nghĩa, đừng nên tiểu tiết trả thù nhau như vậy, thật không hay ho chút nào! Người lớn cứ gây hận thù cho nhau thì chỉ có con trẻ gánh chịu mà thôi” - TS Tùng Lâm xót xa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm