pnvnonline@phunuvietnam.vn
Để bứt phá mạnh mẽ, không còn “giậm chân tại chỗ”
Ảnh minh họa
Những lý do khiến bạn mãi không bứt phá lên được: Bạn không xác định được mục tiêu trong công việc; Bạn có thói quen trì hoãn; Bạn có cảm giác sợ hãi, áp lực và điều đó ngăn cản bạn theo đuổi những điều bạn đam mê; Sự quá tải xảy ra khi bạn lỡ cam kết nhiều hơn những gì bạn thực sự có thể làm và khi đối diện với những vấn đề này, bạn thường lựa chọn thoái lui và không làm gì cả.
Những gợi ý dưới đây giúp bạn thoát khỏi những vấn đề trên để đạt được mục tiêu của mình:
Làm gì cũng có mục đích: Sống có mục đích là cách bạn nói với mọi người ý nghĩa sự tồn tại của bản thân. Mục đích sống cũng chính là thước đo cho những tiến bộ của bạn, thúc đẩy bạn suy nghĩ và hành động để thành công.
Lập tức hành động: Hành động là đối lập của sự trì hoãn. Khi bạn nỗ lực tập trung vào một mục tiêu nào đó, hành động sẽ thúc đẩy bạn tiến lên. Từng bước đạt được những thành công nhỏ cũng sẽ là động lực để bước những bước dài hơn.
Can đảm theo đuổi: Nếu bạn còn mơ hồ về nỗi sợ của bản thân, có thể tìm đến những cố vấn để được nhìn rõ bản thân mình hơn, từ đó xác định những điều chỉnh cần thiết để giải phóng nỗi sợ đó. Can đảm được xây dựng bằng cách đối diện với nỗi sợ và đi qua nỗi sợ đó một cách bình tĩnh. Can đảm mang lại cho bạn sức mạnh để làm những điều mà trước đây bạn nghĩ là không thể.
Sự tập trung: Điều bạn đặt nhiều sự chú ý sẽ có ảnh hưởng nhất đến sự thành công của bạn. Bạn sẽ trở thành những gì bạn tập trung vào, và vì thế hãy nhìn thẳng vào mục đích cuối cùng để hành động những điều cần thiết.
Ngoài ra, bạn hãy thử áp dụng "Quy tắc 5 giờ" để vượt qua mọi trở ngại và chinh phục thành công:
"Quy tắc 5 giờ" quy định bạn dành ra 5 tiếng mỗi tuần, hay mỗi ngày một giờ để nỗ lực thu nạp kiến thức và hoàn thiện bản thân. Nói một cách khác, để thành công, bạn phải gác lại công việc mỗi tuần 5 giờ và dồn toàn bộ tâm trí vào việc học tập, nghiên cứu.
Đọc: Hãy đặt một cuốn sách vào trong túi xách và mang theo chúng mỗi ngày, đặt ra các mục tiêu đọc sách như đọc vài giờ hay vài trang sách mỗi ngày và hãy cố gắng thực hiện các mục tiêu đó. Trong thời đại hiện nay, chúng ta cũng có thể đọc sách trên điện thoại di động hay máy tính bảng. Điều này giúp cho việc tiếp nhận kiến thức và thu thập thông tin của chúng ta trở nên dễ dàng và tiện dụng hơn nhiều.
Nắm bắt kiến thức đã học: Một cách hay để làm điều này là ghi chép nhật ký, ghi lại những sự kiện, suy nghĩ của bạn mỗi ngày sẽ giúp bạn xử lý tốt cảm xúc và suy nghĩ của mình. Một cuốn nhật ký cũng sẽ giúp bạn ghi nhớ những gì đã học và vận dụng chúng vào công việc cũng như những lĩnh vực bạn mong muốn thành công.
Thử nghiệm: Trải nghiệm thực tế không phải là một ý tưởng tồi, hãy trải nghiệm nhiều thử thách khác nhau, hay cho phép bản thân được sống "cuồng nhiệt" nhất có thể, được làm những thứ bạn có thể cũng như không thể. Bằng cách này, bạn sẽ không còn quá bận tâm đến thất bại. Hãy đem những kiến thức bạn đã thu nạp được vận dụng vào công việc và cuộc sống thực tế một cách linh hoạt và khéo léo, thành công với bạn chỉ còn là "chuyện nhỏ".
Dành thời gian cả làm việc và học tập: Khi bắt đầu dành thời gian không chỉ để làm việc mà còn để học tập, bạn có thể phát triển một cách đáng kể. Bằng cách này, bạn sẽ tập trung giải quyết được các vấn đề không chỉ trong hiện tại và tương lai mà còn trên con đường bạn phấn đấu cho thành công cuối cùng.
Chú trọng hoàn thiện bản thân hơn là nâng cao năng suất: Thành công trong cuộc sống không được đo lường bởi những thành tựu vật chất dễ dàng thay đổi, mà được đo lường bằng sự tiến bộ liên tục. Bạn hãy cố gắng không chỉ tập trung vào những thứ có được tại một thời điểm nhất định, mà còn phải quan tâm đến những thành quả về lâu dài.