pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khi thủ khoa không còn là “tấm vé” đỗ đại học tuyệt đối
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Nguyễn Mạnh Hùng (cựu học sinh trường THPT Trưng Vương, tỉnh Hưng Yên) và Nguyễn Mạnh Thắng (cựu học sinh trường THPT Chuyên Bắc Giang) là hai thủ khoa tổ hợp A00 (gồm các môn: Toán, Vật lý, Hóa học) với 29,35 điểm. Cả 2 thí sinh cùng đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Tuy nhiên, theo điểm trúng tuyển của ĐH Bách khoa Hà Nội công bố, cả hai thí sinh đều không đỗ ngành này vì các em có tổng điểm 29,21 điểm (theo cách tính điểm của ĐH Bách khoa Hà Nội) và thiếu 0,21 điểm.
Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, đơn vị này có cách tính điểm trúng tuyển riêng, trong đó môn Toán là môn chính nên được nhân đôi. Với công thức tính điểm riêng, hai thí sinh thủ khoa tổ hợp A00 không đỗ nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính vì môn Toán của Hùng và Thắng là 9,6 điểm (thấp hơn so với môn không nhân đôi Vật lý và Hóa học).
Trong khi đó, người trở thành thủ khoa đầu vào của ĐH Bách khoa Hà Nội lại là Đặng Quốc Vinh, cựu học sinh lớp 12A, trường THPT Ninh Giang với 29,47 điểm khối A00 (Toán, Lý, Hóa) và 29,65 điểm khối A01 (Toán, Lý, Anh). Vinh trúng tuyển ngành Khoa học Máy tính, ngành có điểm chuẩn cao nhất ĐH Bách khoa, là 29,42 điểm.
ĐH Bách khoa Hà Nội cũng không có ưu tiên đối với hai thủ khoa Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Mạnh Thắng, mặc dù các em vẫn trúng tuyển theo nguyện vọng tiếp theo vào trường này.
Có thể thấy, việc trở thành thủ khoa một tổ hợp môn nào đó trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không đồng nghĩa với việc nắm chắc tấm vé vào những ngành "hot" của các trường ĐH trong nước khi các trường dành ít chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và có những cách tính điểm trúng tuyển riêng, nhân hệ số môn ưu tiên như ĐH Bách khoa Hà Nội.
Đây cũng là điều các chuyên gia tư vấn tuyển sinh khuyên các thí sinh không nên chủ quan và phải nghiên cứu kỹ các phương thức xét tuyển vào ngành và trường mình có nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Điểm chuẩn ngành Sư phạm cao bất ngờ
Trước thông tin hầu hết các địa phương đều đang thiếu nguồn tuyển giáo viên thì trong đợt xét tuyển ĐH năm 2023, nhiều người ngỡ ngàng với mức điểm chuẩn vào ngành Sư phạm. Mức điểm cao chót vót tập trung vào 3 chuyên ngành: Sư phạm Lịch sử, Ngữ văn và Toán, khi hầu hết các trường đều đưa ra mức trúng tuyển 27 - 28 điểm trở lên.
Trong đó, điểm chuẩn cao nhất của nhóm ngành Sư phạm Lịch sử thuộc về trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngành học này lấy 28,58 điểm, tức thí sinh phải đạt trung bình 9,52 điểm/môn mới trúng tuyển. Theo đề án tuyển sinh, ngành Sư phạm Lịch sử của trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có 86 trong tổng số 3.421 chỉ tiêu.
Điểm chuẩn cao tiếp theo là ngành Sư phạm Ngữ văn với 27,47 điểm, Sư phạm Lịch sử - Địa lý 27,43 điểm. Ngành Giáo dục thể chất lấy thấp nhất trong khối đào tạo giáo viên với 21 điểm.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay có mức điểm chuẩn xét theo phương thức thi tốt nghiệp THPT khá cao, gồm: Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử. Điểm chuẩn nhóm này ở mức 26 - 28,42 điểm, trong đó ngành Sư phạm Lịch sử (tổ hợp C00 - Văn, Sử, Địa) cao nhất.
Được biết, ngành Sư phạm Lịch sử lấy hơn 28 điểm do chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm và trường này tuyển thẳng các học sinh đạt giải quốc gia môn Lịch sử năm nay.
Có thể thấy, năm 2023, điểm trúng tuyển vào các trường ĐH hàng đầu đều không vượt ngưỡng 30 điểm như năm trước nhưng rất nhiều ngành thí sinh phải đạt trên 9 điểm môn mới có thể đỗ ĐH.
Một trong những nguyên nhân là các trường ĐH đưa ra nhiều phương thức xét tuyển sớm, ưu tiên xét tuyển nên chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ít, dẫn tới đẩy mức điểm trúng tuyển lên cao.