Để công nghiệp biểu diễn làm cú hích cho tăng trưởng kinh tế

Hà Nhân
23/02/2025 - 22:21
Để công nghiệp biểu diễn làm cú hích cho tăng trưởng kinh tế

Một cảnh trong vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ” tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội)

Với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, ngành nghệ thuật biểu diễn đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vai trò trong việc thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo. Từ những concert hoành tráng cho đến các sự kiện văn hóa đột phá, công nghiệp biểu diễn nội địa đang cho thấy sức mạnh tiềm tàng.
Nghệ thuật biểu diễn phải đi đầu trong công nghiệp văn hóa

Những năm gần đây, các hoạt động biểu diễn đang từng bước được đổi mới, đáp ứng một phần nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân. Ngày càng có nhiều chương trình được sản xuất dựa trên việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống.

Với những đặc trưng đa dạng trong văn hoá Việt Nam, việc khai thác các thể loại của nghệ thuật biểu diễn (NTBD) có thể trở thành sản phẩm tiềm năng quảng bá văn hoá Việt. 

Các loại hình mới như chương trình biểu diễn thực cảnh là sự phối hợp của không gian và nghệ thuật để tái hiện một nét văn hóa hoặc một giai đoạn lịch sử, góp phần đưa văn hóa Việt đến gần hơn với thế giới, phát huy được giá trị văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc, tạo thêm sản phẩm đặc sắc cho du lịch văn hóa của các địa phương.

Các chương trình âm nhạc với quy mô vừa và lớn ngày càng được đầu tư và tổ chức định kỳ, ví dụ: Concert "Những thành phố mơ màng", Genfest, HAY Glamping Music Festival, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô, 8Wonder, Ravolution Music Festival, Monsoon Music Festival... đã mang lại những sản phẩm âm nhạc chất lượng đến công chúng. 

Trong năm 2023 - 2024, các chương trình như: Chị đẹp đạp gió, rẽ sóng, Chị đẹp đạp gió, Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai "say hi" được đánh giá là các chương trình thực tế âm nhạc thay đổi xu hướng giải trí của khán giả Việt. Sau khi phát sóng, hiệu ứng của chương trình bùng nổ, tạo ra trào lưu yêu thích và ủng hộ các "thần tượng nội địa".

Nhiều concert với quy mô lớn do người Việt đầu tư, sản xuất và dàn dựng đã được thực hiện, thu hút hàng nghìn khán giả, mang loại doanh thu trăm tỷ đồng, đánh dấu bước đột phá của lĩnh vực NTBD nói chung, lĩnh vực âm nhạc nói riêng. 

Các con số khổng lồ về người mua vé trên các nền tảng trực tuyến, doanh thu của các buổi concert, hòa nhạc… đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực NTBD hiện nay hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của việc tổ chức các sự kiện lớn, tiệm cận với quy trình và chất lượng của thế giới. 

Để công nghiệp biểu diễn làm cú hích cho 
tăng trưởng kinh tế- Ảnh 1.

Một tiết mục trong chương trình "Anh trai say hi”

Đồng thời, các con số cũng cho thấy tiềm năng sức tiêu thụ của thị trường nội địa đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa (CNVH) do chính người Việt đầu tư và sản xuất.

Góp vào "bức tranh" tươi sáng của NTBD trong năm 2024 có thành tựu không nhỏ của các nhà hát thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Theo thông tin từ các nhà hát, Nhà hát Múa rối Việt Nam có hơn 1.000 suất diễn, là con số kỷ lục trong lịch sử hoạt động của nhà hát này. 

Nhà hát Múa rối Việt Nam thực hiện được 1 chuyến biểu diễn tại Mỹ, 3 chuyến tại Nhật Bản và 1 chuyến tại Đài Loan. Nhà hát Tuổi Trẻ cũng để lại dấu ấn khi liên tục ra mắt các chương trình mới phục vụ thanh thiếu niên. 

Nhà hát đã dựng 4 vở diễn mới thuộc dự án "Mùa hè yêu thương" 2024, đồng thời điều chỉnh khung giờ diễn vào 20h thứ Bảy và 15h Chủ nhật, giúp phụ huynh và các khán giả nhí dễ dàng sắp xếp thời gian thưởng thức nghệ thuật.

Đối với lĩnh vực tưởng như kén khán giả nhất hiện nay, năm 2024, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng bán được 350 vé mỗi suất diễn tại rạp Hồng Hà. Dù phối hợp với một công ty tổ chức sự kiện nhưng đây là bước ngoặt sau nhiều năm nghệ thuật Tuồng quay trở lại với hình thức bán vé trực tiếp. 

Không ít khán giả đã tỏ ra bất ngờ, thích thú khi được thưởng thức những vở tuồng đặc sắc, đậm chất truyền thống ngay giữa lòng Thủ đô.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam không chỉ hoạt động sôi nổi trong nước mà còn có nhiều chương trình hợp tác quốc tế và đạt được thành công vang dội. 

Tiết mục Đu nón 4 nữ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã xuất sắc giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Xiếc quốc tế "IDOL" lần thứ 8 tổ chức tại Liên bang Nga, đánh dấu lần đầu tiên xiếc Việt được vinh danh tại "cường quốc" của nghệ thuật xiếc.

Thông qua biểu diễn, hợp tác, bán vé, Nhà hát Tuổi Trẻ thu về khoảng 8,5 tỷ đồng, Liên đoàn Xiếc Việt Nam 14 tỷ đồng, Nhà hát Múa rối Việt Nam 16 tỷ đồng, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam 25 tỷ đồng, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam có doanh thu 30 tỷ đồng… 

Đây là những con số cho thấy, các nhà hát luôn chủ động "tìm việc" chứ không "trông chờ" các sự kiện đặt hàng, phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Với định hướng đã xác định, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, phương pháp thực hiện là phải hoàn thiện thể chế, tổ chức các sự kiện, thông qua NTBD hoàn thiện đề án quốc tế hóa văn hóa Việt Nam. 

Theo đó, các đơn vị, nhà hát của Bộ cũng phải vào cuộc mạnh mẽ, không thể "tụt hậu" trong bối cảnh chung.

Để nghệ thuật biểu diễn phát triển bền vững

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xác định, ngành NTBD cần tiếp tục là một trong những ngành chủ lực, giúp CNVH tăng trưởng. Phấn đấu các ngành CNVH đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên của cả nước theo Nghị quyết của Quốc hội.

Để công nghiệp biểu diễn làm cú hích cho 
tăng trưởng kinh tế- Ảnh 2.

Năm 2024, Nhà hát Múa rối Việt Nam có hơn 1.000 suất diễn - đây là con số kỷ lục trong lịch sử hoạt động của nhà hát này

Để thực hiện được mục tiêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cần khẩn trương xây dựng chính sách miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia tài trợ cho hoạt động sáng tác, dàn dựng, tổ chức các sự kiện âm nhạc; các cơ chế, chính sách (hỗ trợ địa điểm, đảm bảo an ninh, an toàn,…) để tổ chức các chương trình và sự kiện âm nhạc quy mô lớn; chính sách miễn giảm thuế đối với các loại hình múa rối, nghệ thuật dân gian phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. 

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật với tổ chức, doanh nghiệp trong việc liên kết, hợp tác xây dựng và kinh doanh các sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách đãi ngộ đặc thù, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất, tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ tài năng tham gia sản xuất các tác phẩm, chương trình âm nhạc có chất lượng cao tại Việt Nam và đưa các ban, nhóm nhạc Việt Nam tham dự các sự kiện âm nhạc có uy tín trong khu vực và quốc tế. 

Trong năm 2025, để đạt được yêu cầu phát triển CNVH, góp phần vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng của cả nước, NTBD phải là một trong các lĩnh vực đi đầu thực hiện CNVH. Trong đó, NTBD định hướng ưu tiên phát triển loại hình âm nhạc trẻ, đương đại và một số loại hình nghệ thuật truyền thống phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của công chúng. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong âm nhạc và một số loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống (múa rối, nghệ thuật dân gian) để tăng giá trị trải nghiệm cho công chúng, khách du lịch trong nước và quốc tế. Nâng cao chất lượng, số lượng và quy mô các chương trình biểu diễn âm nhạc, đáp ứng nhu cầu của thị trường, từng bước tạo dựng thương hiệu trong khu vực và trên thế giới. Hình thành cộng đồng công chúng yêu nhạc văn minh; nghệ sĩ có trách nhiệm với nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm đối với các sản phẩm sáng tạo để tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất âm nhạc tổ chức đào tạo ở trong nước hoặc liên kết với các tổ chức, nhà sản xuất có uy tín quốc tế tổ chức đào tạo nghệ sĩ, ban nhạc Việt đáp ứng điều kiện về chuyên môn, kỹ năng, để tham gia biểu diễn trên thị trường âm nhạc ở khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, cần sửa đổi các quy định liên quan đến Luật sử dụng tài sản công, hợp tác công - tư (Luật PPP) đối với việc sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao để khai thác, sử dụng có hiệu quả các nhà hát, sân vận động... phục vụ tổ chức các chương trình biểu diễn, sự kiện âm nhạc.

Phân cấp, giao các tổ chức xã hội chuyên ngành tổ chức các chương trình, hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp (cuộc thi, gala âm nhạc nghệ thuật, sáng tác, trình diễn...) để phát triển tài năng, khẳng định thương hiệu của các ban nhạc, nhóm nhạc trẻ.

Tăng cường áp dụng các công nghệ hiện đại để gia tăng giá trị trải nghiệm, tiêu dùng của công chúng đối với các sản phẩm âm nhạc, nghệ thuật dân gian. 

Xây dựng hạ tầng công nghệ trong hoạt động quảng bá, dịch vụ bán vé tự động, đặt máy bán vé tự động, áp dụng phương thức đặt chỗ trực tuyến thông qua hệ thống thanh toán trên môi trường mạng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm