Để hoạt động cứu trợ đúng mục tiêu, nhu cầu và an toàn

Hoàng Sa
17/09/2024 - 15:18
Để hoạt động cứu trợ đúng mục tiêu, nhu cầu và an toàn

Nếu có sự phối hợp với chính quyền địa phương, hoạt động cứu trợ sẽ đúng đối tượng, mục tiêu và an toàn hơn cho người tham gia cứu trợ.

Trước thiệt hại quá lớn do cơ bão số 3 gây ra, những nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam được thể hiện qua những việc làm cụ thể, ý nghĩa hướng về đồng bào vùng bão lũ. Tuy nhiên, việc thiếu tìm hiểu thông tin, nhu cầu không đầy đủ, kịp thời khiến cho hoạt động cứu trợ có nơi, có lúc không phù hợp hoặc gây lãng phí, thậm chí có thể gây mất an toàn cho người đi cứu trợ khi vào vùng sạt lở nguy hiểm.

Với tinh thần “đoàn kết, tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, trước tình trạng thiên tai gây ảnh hưởng nặng nề tới người dân ở nhiều tỉnh thành miền núi phía Bắc, người dân ở khắp các vùng miền tổ quốc lại hô hào nhau chung tay đã tích cực ủng hộ, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ.

Với những đoàn từ thiện, cứu trợ có tổ chức chặt chẽ, lên lịch trình, kết nối với địa phương dự kiến đến hỗ trợ từ trước, thì sẽ có những thuận lợi, đảm bảo việc cứu trợ đúng và trúng các đối tượng đang gặp khó khăn hoạn nạn, đồng thời đảm bảo an toàn cho hành trình của cả đoàn đi cứu trợ.

Thế nhưng, với những đoàn mang tính tự phát “tự đi, tự đến và tự liên hệ”, đã có không ít trường hợp nảy sinh bất cập, thậm chí là sự cố trong quá trình thực hiện công tác thiện nguyện, tiềm ẩn những nguy hiểm cho người đi cứu trợ.

Chị N.T.H, ở xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, cho biết: “Có những đoàn ở xa, họ mang theo các loại bánh trái, nhưng đến nơi thì bị hư hỏng, ôi thiu do vận chuyển mất nhiều thời gian nên không thể ăn được, đành phải bỏ đi, rất lãng phí. Đặc biệt là rất nhiều đoàn mang theo mì tôm, nhưng người dân cũng không thể ăn mì tôm mãi được, hay có những thực phẩm không thể dùng nhiều bữa mà để lâu thì hỏng, đành bỏ đi”.

Chị Dương Thu Hà, ở thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, Lào Cai, chia sẻ: “Có những đoàn họ tự tổ chức đi phát quà cho người dân, không liên hệ với cơ quan chức năng. Đến đây thì họ mới hỏi người dân chúng tôi là nên đi vào xã nào, đường sá đi ra sao, có thuận lợi không. Chúng tôi cũng chia sẻ thực tế với họ là không nên đi như vậy, bởi thứ nhất là đường đi mùa mưa bão rất nguy hiểm, thứ 2 là cứ đi tự phát như vậy sẽ dẫn đến nơi thì dư thừa đồ cứu trợ dùng không hết, nơi thì người dân gặp nạn lại chẳng đủ đồ mà dùng, nên sẽ kém hiệu quả".

"Sau đó chúng tôi đã khuyên họ nên liên hệ với cơ quan chức năng để có sự phối hợp, họ sẽ tiếp nhận hàng hóa, hoặc cử người dẫn đoàn đi vào các điểm cần thiết hỗ trợ, tránh bị chồng chéo. Các chị ấy ở nơi khác đến, đường đi nối lại cũng không nắm rõ, cứ tự ý đi rồi đang thời điểm mưa lũ, sạt lở mà xảy ra vấn đề gì thì chẳng những khổ bản thân họ, mà còn làm khổ cho cả chính quyền địa phương" - chị Hà cho biết thêm.

Việc đi cứu trợ đồng bào gặp nạn là rất đáng quý, đáng khuyến khích, nhưng để đảm bảo an toàn, hiệu quả, thì các tổ chức cá nhân nên tìm hiểu kỹ trước khi đi. Đặc biệt là kết nối với các cơ quan chức năng địa phương, thông qua những thông tin đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó có kế hoạch chuẩn bị từ hàng hóa nhu yếu phẩm, cho đến đối tượng, địa điểm hỗ trợ, tránh việc làm theo kiểu tự phát, chẳng những “không đúng, không trúng” đối tượng cần giúp đỡ, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho chính bản thân những người đi cứu trợ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm