Để không lo khi tuổi già ập đến

Diệp Bình
12/10/2022 - 13:03
Để không lo khi tuổi già ập đến

Tư vấn BHXH tự nguyện cho người dân Bắc Giang

Những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Giang đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn. Những lợi ích thiết thực của bảo hiểm tự nguyện giúp người dân không còn lo lắng khi về già.

Chị Vi Thị Vỹ, dân tộc Tày, trú tại xã An Lạc, Sơn Động, Bắc Giang, là lao động tự do, nhà lại neo người nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Khi được cán bộ tư vấn nếu việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chị sẽ được hưởng lương hưu khi về già nên chị Vỹ đã đăng ký tham gia luôn.

Chị Vỹ hy vọng khi về già sẽ có khoản trợ cấp cho tuổi già. Chị Vỹ tâm sự, vì không muốn là gánh nặng cho con cái khi về già nên chị chủ động mua bảo hiểm xã hội tự nguyện. Không chỉ riêng mình, chị còn động viên các chị em khác cùng thôn, cùng xã chủ động mua bảo hiểm xã hội tự nguyện để lo cho tuổi già.

Hay như trường hợp của chị Triệu Thị Ong (dân tộc Tày, trú tại Sơn Động, Bắc Giang) cũng mua bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chị Ong chia sẻ, mấy năm trước chị làm công nhân tại Hiệp Hoà, Bắc Giang, được công ty đóng bảo hiểm xã hội. Khi về quê làm tự do, lập gia đình, chị Ong không muốn rút bảo hiểm xã hội một lần như nhiều bạn bè khác mà chị chủ động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hàng tháng, chị dành gần 1 triệu đồng để tiếp tục duy trì bảo hiểm của mình cho đủ 20 năm để được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Chị Ong cũng đóng cả cho chồng mình. Đến nay, chồng chị cũng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được 3 năm, còn chị Ong thời gian đóng bảo hiểm xã hội được 9 năm.

Gia đình chị Thân Thị Dung (dân tộc Sán Dìu, trú tại Lục Ngạn, Bắc Giang) đều làm nông. Chị Dung cho biết, từ nhiều năm nay, xã lên chuẩn nông thôn mới nên gia đình chị không còn được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Chị Dung đã chủ động tham gia mua gói bảo hiểm tự nguyện cho cả gia đình, trong đó bao gồm cả bảo hiểm y tế với chi phí không quá lớn. Chồng chị năm ngoái ốm phải đi viện nhưng có sổ bảo hiểm nên cũng yên tâm hơn rất nhiều. Vợ chồng chị Dung cũng yên tâm hơn khi về già đã có "vốn" từ cuốn sổ này.

Huyện Sơn Động là huyện miền núi của Bắc Giang với 80% là người dân tộc. Nói tới bảo hiểm xã hội tự nguyện, mấy năm trước người dân tham gia rất ít. Năm 2018, toàn huyện chỉ có 185 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, năm 2019 lên 621 người, đến hết năm 2021 đã có hơn 2.000 người tham gia. Để có được kết quả trên, các cán bộ của ngành bảo hiểm xã hội huyện Sơn Động đã đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội và vận động người dân tham gia.

Để không lo tuổi già ập đến - Ảnh 1.

Những lợi ích thiết thực của bảo hiểm tự nguyện giúp người dân không còn lo lắng khi về già

Ông Chu Văn Tuấn, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Sơn Động, Bắc Giang, cho biết, đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Họ chưa hiểu rõ về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nên các cán bộ của ngành bảo hiểm xã hội đã tập trung vào các khâu tuyên truyền về chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế. Những năm gần đây, bảo hiểm xã hội huyện Sơn Động tổ chức các hội nghị tới tận xã, triển khai các chính sách tới tận đồng bào. Người tham gia có thể đóng định kỳ hằng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng/lần hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm nhưng không quá 5 năm/lần; mức đóng thấp nhất là 330 nghìn đồng/tháng (chưa tính phần hỗ trợ của trung ương và tỉnh).

Đến hết tháng 5/2022, lũy kế số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của toàn tỉnh Bắc Giang. là 33.266 người, đạt 83% kế hoạch năm 2022. Các địa phương tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông, vận động người chưa tham gia bảo hiểm xã hội chủ động tham gia chính sách ngay từ lúc trẻ để bảo đảm quyền lợi khi về già đặc biệt là bà con vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn miền núi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm