Nhiễm nấm âm đạo gây ra tình trạng viêm, ngứa, rát ở các mô âm đạo. Khi bị nấm âm đạo, chị em sẽ gặp phải các triệu chứng của bệnh viêm phụ khoa, cụ thể như:
- Ngứa dữ dội bên ngoài vùng kín, ngứa sâu bên trong âm đạo, âm hộ, kèm theo nổi mẩn và sưng tấy vùng kín.
- Khí hư cũng tăng đột biến về số lượng, có màu trắng đục, dạng bột hoặc dính thành từng mảng giống phomai, bã đậu hay sữa chua tại âm hộ, âm đạo, kèm theo khí hư có mùi hôi.
Tình trạng này cản trở chuyện yêu, do nó ảnh hưởng đến khả năng tự bôi trơn của âm đạo, khiến bạn bị đau rát khi giao hợp, cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
Duy trì quan hệ tình dục trong khi bị nấm âm đạo sẽ làm quá trình phục hồi của các mô âm đạo bị viêm chậm lại, khiến các tổn thương thêm nặng. Trầm trọng hơn có thể khiến bạn bị chảy máu sau quan hệ.
Nấm âm đạo là một căn bệnh phổ biến ở nữ giới. Nếu không được phát hiện và điều trị triệt để, đúng cách, bệnh có thể gây ra những phiền toái không đáng có, thậm chí làm tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn ở chị em.
Đặc biệt, bệnh còn gây ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh lẫn bạn tình, khiến “lửa yêu” nguội lạnh dần vì chuyện yêu kém trơn chu.
Bệnh dễ lây lan
Mặc dù nấm âm đạo không được xếp vào danh sách các bệnh lây truyền qua đường tình dục, song bệnh có thể lây lan sang bạn tình khi “yêu”.
Những nam giới có quan hệ tình dục với bạn tình bị bệnh nấm âm đạo có thể mắc bệnh viêm niệu đạo do nấm. Tuy nhiên, thời kỳ ủ bệnh khó xác định, triệu chứng cũng không xuất hiện rầm rộ, rõ nét như ở phụ nữ nên ít được phát hiện.
Vì vậy, trong thời gian điều trị bệnh nấm âm đạo, các bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân không được giao hợp. Rất nhiều bệnh nhân bị nấm âm đạo tái phát, chỉ hết bệnh khi bạn tình cũng được điều trị.
Làm thế nào điều trị triệt để?
Theo bác sĩ Lê Huy Tuấn - Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội: Môi trường âm đạo nữ giới có sự tồn tại của các loại vi khuẩn lợi và hại. Nguyên nhân trực tiếp khiến chị em bị nấm âm đạo là do bị nhiễm nấm Candida hay còn gọi là nấm men.
Nấm Candida có tới hơn 20 loại có thể gây bệnh tại các bộ phận trong cơ thể con người, không phân biệt giới tính hay độ tuổi. Tuy nhiên, nấm vùng sinh dục nữ là dạng bệnh phổ biến nhất mà loại nấm này có thể gây ra.
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh cũng khiến những vi khuẩn cộng sinh có ích trong âm đạo bị tiêu diệt, tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển. Ngoài ra, bệnh cũng thường gặp ở những người bị bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, dùng thuốc corticoid kéo dài...
Khi thấy xuất hiện những triệu chứng nhiễm nấm âm đạo, tốt nhất bạn nên thăm khám tại những cơ sở y tế uy tín để được tư vấn điều trị hiệu quả nhất. Không tự ý điều trị bằng các kem bôi hoặc các loại thuốc chống nấm có thể dẫn tới việc chậm trễ trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể kiểm soát và phòng tránh bệnh nấm âm đạo bằng những biện pháp sau:
- Không nên sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ, chất kích thích có tính sát khuẩn mạnh vào khu vực “vùng kín”. Thường xuyên vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ theo đúng cách.
- Không nên ngâm mình trong bồn tắm quá lâu.
- Khi đi vệ sinh, bạn nên lau theo chiều từ trước ra sau, tránh để vi khuẩn lây lan từ hậu môn đến âm đạo.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những nguy cơ gây bệnh tiềm ẩn.