pnvnonline@phunuvietnam.vn
Để mỗi sáng con thức dậy vớ nụ cười, mẹ bỏ những câu "cửa miệng" hay mắng mỏ con
Nhận ra mình cũng là "nạn nhân" từ cách dạy dỗ không đúng cách của bố mẹ, chị Hảo đã có phương pháp nuôi dạy bé tốt hơn.
Chị Đặng Hảo (Hà Nội) có một con gái mới hơn 3 tuổi. Ở giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3, cô bé cũng không tránh được những lúc hờn dỗi, cáu kỉnh. Thậm chí con gái chị Đặng Hảo còn hay làm ngược lại những lời mẹ dạy bảo. Theo mẹ trẻ, lứa tuổi lên 3 là lứa tuổi bắt đầu muốn thể hiện cái tôi của bản thân. Mặc dù con cũng là một cô bé tình cảm, vâng lời, nhưng đôi khi con làm trái ý mẹ để thể hiện cảm xúc, nhu cầu của mình.
Mẹ trẻ cho hay: "Trước kia mình không có định hướng sẽ dạy con ra sao. Mình không tìm hiểu thêm cũng không trau dồi kiến thức, kỹ năng, điều đó khiến cho mình bị tụt hậu và có rất nhiều những sai lầm cơ bản. Ví dụ như không hỏi ý kiến mà bắt ép con vì nghĩ rằng bản thân đang làm tốt nhất cho bé, mình vung tay dọa nạt thậm chí là đánh con những lúc con không chịu ăn, chẳng chịu tắm, không ngủ trưa và không thể phủ nhận rằng mình có chút hả hê khi cho bé con hiểu rằng không làm, không có nề nếp là sẽ bị ăn đòn.
Chưa hết, mình còn hay so sánh con với những bạn nhỏ khác, để thấy con chưa được cao lớn, chưa được hoạt bát, chưa biết bò, chưa biết đi, chưa mọc răng và vội vàng, cuống quýt thúc con đi, con bò, con chạy. Những câu như: "sao con dốt thế", "con không phải đứa trẻ ngoan", "mẹ không yêu con", "sao con hư thế nhỉ", "con đừng mè nheo, có muốn ăn đòn không"... là lời mình hay mắng mỏ con.
Trách đã đành, khi con làm tốt mình có khích lệ khen thưởng. Tuy nhiên mình áp dụng khen thưởng và kỷ luật một cách vô tội vạ và hầu như là phụ thuộc vào cảm xúc của mẹ. Suy cho cùng, mình chỉ coi con là một người con và là con thì phải nghe lời, phải thực hiện những kỳ vọng của cha mẹ và phải có kết quả ngay như những gì mẹ mong muốn".
Nhưng bỗng có một ngày chị Hảo nhận ra rằng, những lời mình mắng mỏ con thường ngày, ép con làm cái nọ cái kia, không phải là bé vâng lời. Thực ra con chỉ làm vì sợ mẹ đánh, mẹ mắng mà thôi. Nhìn bên ngoài con giống như một đứa trẻ bình thường. Nhưng bên trong tâm, con đã bị tổn thương. Mỗi lần con làm sai điều gì, con lại nói dối để che đậy lỗi lầm của mình. Con sợ mẹ thấy và mắng mỏ. Sai lầm được che đậy bằng sai lầm sẽ chỉ dẫn đến một kết quả xấu.
"Mình hiểu rằng để con hợp tác không phải chỉ có dọa nạt, mình hiểu rằng bên trong mình có những tổn thương cũng có nông và có sâu để tìm hiểu nguyên do cho những hành động. Quan trọng hơn cả mình lắng đọng để trở nên bình tĩnh hơn.
Mình hiểu rằng: Đánh, mắng, la rầy, thúc giục con đều là những tác động xấu và sẽ gây cho con những tổn thương. Chỉ có thủ thỉ, nói chuyện, đồng hành cùng con mới khiến con thả lỏng và xích lại gần mình hơn. Bởi ai ai cũng có nhu cầu được yêu thương, được lắng nghe, được tôn trọng và con cũng thế.
Mình bao dung hơn cho những lỗi lầm của con và tin tưởng rằng con cần được phạm lỗi để lớn hơn. Con là em bé 3 tuổi chứ không phải là mình 30 tuổi để có những trải nghiệm hay những lần rút kinh nghiệm. Bài học chỉ thực sự khắc sâu khi con được trải qua" - chị Hảo cho hay.
Lời nói tích cực dẫn đến hành động tích cực
Một ví dụ khi chị Hảo đã thay đổi trong cách dạy con:
"Trước kia mình hay gọi con: "Con ơi! 7 rưỡi rồi, dậy đi học thôi!", "muộn học rồi con chưa biết hay sao mà còn ngủ", "dậy đi, sao lề mề thế, đừng để mẹ phải vào trong giường"...
Tâm ý bố mẹ thường sốt ruột vì con mình mãi chẳng chịu dậy. Cáu gắt lên với con thì cũng để bé thức dậy đúng giờ mà thôi. Hơn nữa, mỗi sáng bố và mẹ đều bận đi làm, nếu con cứ lề mề thì mọi người đều sẽ muộn giờ.
Những lần sau đó, để con dậy đúng giờ hơn, mình thường gọi bé sớm ít nhất nửa tiếng. Nếu khoảng 6 rưỡi bé phải dậy, thì mình đã thúc dục con từ 6 giờ. Tuy nhiên mình vẫn nói với bé: "6 rưỡi rồi dậy đi không đi học muộn".
Thế nhưng sau đó mình chợt nghĩ cách được gọi dậy như vậy cũng là nuôi dưỡng cho mình thói quen ỷ lại, thói quen không coi trọng thời gian và bằng một cách nào đó con không còn tin vào bố mẹ ít nhất là về mặt thời gian mỗi lần thúc giục. Không thể phủ nhận rằng: "Nếu mẹ nói, dậy đi 7 rưỡi rồi!". Con sẽ tin rằng chắc chỉ 6 rưỡi là cùng. Điều này vô tình lại gây ra sự cáu giận cho mẹ và con thì bị bé đánh giá là lề mề, chậm chạp.
Ngày bé mình cũng được bố mẹ gọi dậy đi học kiểu y như vậy. Song mãi cho đến khi lên đại học rồi, mình mới thay đổi được. Trước đó mình hay có thói quen trì hoãn mọi việc. Dù mình biết 7h15' cần đến đâu đó, đi đường cũng phải mất 15 phút, mà đã 7h rồi mình còn chưa thể xuất phát được thì cũng chẳng sao, mình nghĩ còn tận 15 phút nữa cơ mà. Và vì từ bé đến giờ mình bị gắn cái mác lề mề chậm chạp nên mình đã từng tin mình là người như thế.
Sau này khi có con, khi gánh trên vai trách nhiệm là một người mẹ, một người vợ mình mới thực sự bật dậy mà không cần báo thức và mình cũng hạn chế không gọi con theo cách cũ. Mình hiểu rằng bé con cần có những khái niệm đầu tiên về thời gian và một niềm tin ở mẹ.
Ban đầu mình tuyên bố với con: "7 giờ là giờ con sẽ thức dậy".
Và đề nghị bé con nhắc lại. Hoặc bất cứ khi nào có thể mình cũng sẽ hỏi: "7 giờ là giờ gì con nhỉ?". Hoặc "7 giờ là giờ?". Con sẽ nối câu: "Thức dậy ạ!".
Cứ kiên trì như thế để khái niệm này đi vào não bộ của con để hình thành suy nghĩ đầu tiên về giờ thức dậy. Sau đó mình hành động:
Mình thừa nhận rằng không phải hôm nào mình cũng đủ thời gian để nhẹ nhàng vỗ về, gọi con đúng giờ nhưng mình tin rằng mình cần vượt qua và mình là người cần có kỷ luật thì bé con mới quen và tập thành thói quen.
Cứ lặp lại như vậy, cứ nỗ lực bình tĩnh, nỗ lực nhắc nhiệm vụ của mẹ và nhiệm vụ của con để hình thành nếp nghĩ và trở thành thói quen cho con.
Mình phải công nhận rằng đối với các bé đã quen vào nếp, đối với các bé được mẹ đồng hành theo phương pháp easy thì có lẽ cũng không có gì là khó khăn trong việc thức dậy. Nhưng với bé con nhà mình để con thức dậy mà không mè nheo là cả một sự nỗ lực. Mình cũng phải sắp xếp giờ ngủ tối sao cho hợp lý và vẫn đảm bảo thời gian ngủ cho con. Mình tin rằng chỉ khi con ngủ đủ giấc con mới cảm thấy dễ dàng trong việc chuyển trạng thái từ ngủ sang thức.
Những ngày cuối tuần mình vẫn cùng con thức dậy đúng giờ để con không bị lệch nhịp sinh hoạt.
Mình cũng không quên ghi nhận những thay đổi của con, những sự hợp tác nho nhỏ: "Cảm ơn con vì hôm nay con đã thức dậy sau khi mẹ gọi". Bản thân cũng không quên ghi nhận chính mình đã kiên trì, bình tĩnh đến thế nào.
Đó là cách mà mình gọi con thức dậy, mình cũng hạn chế để không lặp lại câu: "Đã … giờ rồi mà còn chưa thức dậy hả con", hay "Dậy thôi nào chúng ta sẽ muộn mất" Hay "Nhanh lên con các bạn đi hết rồi!"… Vì mình hiểu những câu nói này chỉ làm tăng thêm áp lực và nuôi dưỡng cho con việc ghét việc đi học mà thôi.
Từ sau khi mình tập trung vào việc rèn con, tập trung vào những suy nghĩ, hành động của mình mỗi ngày, những lời nói với con để kịp thời chỉnh sửa, mình nhận ra rằng con trở nên vui vẻ hơn, hòa đồng hơn. Con dễ dàng thể hiện nhu cầu, tình cảm và biết lắng nghe hơn. Mỗi phút giây mình và con ở cùng nhau đều tràn ngập tiếng cười và niềm vui. Con cũng trở thành nguồn động lực bất tận với mình.
Mình cũng chính là người được hưởng lợi từ những thay đổi ấy, mình bình tĩnh hơn, thấu cảm cho những cảm xúc, hành động của mình lúc ấy. Mình trở nên nhẫn nại và những lo lắng dường như được giảm bớt đi. Mình tận hưởng từng phút giây cuộc sống. Mình không còn sợ sai, không còn sợ khó, mình tự tin với những gì đã đạt được và chỉnh sửa cho những lỗi lầm gặp phải trên đường đồng hành cùng con và mình tin mình đã được thay đổi rất nhiều. Giây phút hạnh phúc đến với mình nhiều và rõ ràng hơn.
Đối với mình, một đứa trẻ hạnh phúc là đứa trẻ nhận được sự tôn trọng, được giải thích, được khám phá và được bố mẹ toàn tâm toàn ý. Mọi đứa trẻ đều xứng đáng có được những kỹ năng cơ bản để bước vào đời và chúng được phép sai lầm miễn là lỗi sai đó không quá nghiêm trọng. Có lẽ mỗi cha mẹ sẽ có một định nghĩa riêng nhưng với mình để con được hạnh phúc trước hết cha mẹ cũng hãy là người hạnh phúc và tự tin".