Đề nghị quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân

PV
01/11/2023 - 10:19
Đề nghị quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân

Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh, thảo luận tại hội trường. Ảnh QH

Thảo luận tại hội trường sáng 1/11, một số đại biểu Quốc hội đề nghị có chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng lớn của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm tìm các bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý di truyền. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân thể hiện trách nhiệm đối với người vợ, người chồng. Thậm chí, có những trường hợp người phụ nữ đi sinh mới phát hiện ra đang có những bệnh rất nặng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ đã rất đau lòng lựa chọn nên cứu mẹ hay cứu con, chỉ vì không tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân, không có kế hoạch dự phòng.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết: Theo quy định của Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và khoản 2 Điều 18 của Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ không có quy định bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn. Còn hôn nhân với người nước ngoài thì đây là quy định bắt buộc và khám rất sâu về chuyên khoa trước hôn nhân.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn. 

Cùng với việc thực hiện quy định này, đại biểu đề xuất có những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số được khám sức khỏe tiền hôn nhân.


Đề nghị quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân - Ảnh 1.

Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh QH

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến về các vấn đề liên quan tới ngành y tế như vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công; cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện…

Cùng với đó, phiên thảo luận cũng tập trung vào đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024;  Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm