Kỹ thuật chế biến cơm lam thật đơn giản. Người ta dùng loại cây non, thân ống, họ tre (thường loại tre mà tiếng Thái gọi là "co mạy ngạ" mới ngon cơm); mỗi dóng tre chặt bỏ một đầu ống, đầu ống còn lại tác dụng như cái đáy nồi.
Gạo nếp vo sạch, rắc thêm chút muối, trộn đều, cho gạo vào ống tre, lượng nước đổ xâm xấp so với mặt gạo. Miệng ống được nút bằng lá dong tươi hoặc lá chuối khô.
Ống tre có gạo ấy được hơ trên ngọn lửa hoặc trên đống than hồng, vừa hơ vừa xoay tròn từ từ cho nhiệt tác dụng đều lên xung quanh vỏ ống.
Chừng trên dưới một tiếng sau (tuỳ theo ống cơm to hay bé), mùi cơm nếp toả ra khêu gợi, ấy là dấu hiệu cơm đã chín.
Trước khi ăn, người ta dùng dao chẻ bỏ lớp vỏ biểu bì màu xanh ngoài cùng của ống tre (lúc này đã cháy đen), sau đó tước nốt lớp vỏ trắng trong cùng, cơm lam định hình ở dạng ống đặc, được bao quanh bởi một lượt màng mỏng màu trắng ngà của ruột ống tre (xin lưu ý là đến tận lúc này, cơm lam vẫn không hề mang màu "lam" như tên gọi của nó).
Thưởng thức cơm lam khi lên đất Tây Bắc cũng là cái vui, cái thú ở đời |
Cho tới nay, chưa một tài liệu nào xác định cơm lam có từ bao giờ và xuất xứ do đâu. Tuy nhiên, căn cứ vào tên gọi của nó, chúng ta tạm bằng lòng với kết luận rằng đó là món ăn có nguồn gốc bởi dân tộc Thái. Hoặc chí ít, đó cũng là món ăn phổ biến nhất trong cộng đồng người Thái.
Ngày trước cơm lam là món ăn ưu tiên cho sản phụ và nói chung là phụ nữ trong thời kỳ nuôi con bú. Một cách lý giải mang tính khoa học, rằng ăn cơm lam sẽ tránh được các chất của đồng, gang, nhôm... so với việc nấu cơm bằng nồi kim loại. Và như vậy, không gây ảnh hưởng tới khả năng tạo sữa cũng như chất lượng nguồn sữa của người mẹ.
Theo phong tục, sau khi ăn cơm lam, các gia đình bó những mảnh tre lại rồi mang gác lên chỗ cành chạc của cây sung đầu bản. Sung là giống cây rất sai quả, nhiều nhựa và nhựa dẻo, có màu trắng tinh khiết. Đồng bào quan niệm làm như vậy người phụ nữ sẽ có nhiều sữa và sữa dẻo như nhựa cây sung.
Cơm lam là món ăn độc đáo của đông bào dân tộc Thái ở Tây Bắc |
Trải qua quá trình hàng nghìn năm giao lưu và tiếp biến, cơm lam giờ trở thành món khoái khẩu của nhiều dân tộc vùng cao.
Đặc biệt, tại các nhà hàng, khách sạn, cơm lam có ngôi vị như một "đệ nhất món ăn" trong thực đơn của khách.
Ngoài ra, xin hãy hình dung khung cảnh trên một bãi cỏ thoai thoải ở bìa rừng, bên dòng suối chảy róc rách và tiếng chim hót ríu ran, một nhóm khách du lịch quây quần dùng bữa với cơm lam và thịt thú rừng nướng. Đấy là một không gian trữ tình, dễ gợi thi hứng, chỉ cần ghi lại đã có thể làm thành một bài thơ...