pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề tham khảo Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2020: Phần nghị luận xã hội không làm khó học trò
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên bộ môn Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)
Nhận định về đề tham khảo môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020, TS Trịnh Thu Tuyết cho biết đề vẫn giữ nguyên tinh thần về cấu trúc và các yêu cầu chung như định hướng ôn tập trước đó.
Cụ thể, về cấu trúc, đề vẫn bao gồm 2 phần: Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm); phần Làm văn vẫn có 2 câu với quỹ điểm như cũ, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội (2 điểm), câu nghị luận văn học (5 điểm).
Thứ hai, yêu cầu chung cho cả ba câu trong hai phần Đọc hiểu và Làm văn vẫn ở mức độ quen thuộc với học sinh từ nhiều năm nay.
Theo TS Tuyết, phần Đọc hiểu có chút thay đổi dễ nhận ra về mức độ yêu cầu cho 4 câu hỏi, cụ thể câu 1, 2, 3 đều dừng ở mức độ nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể dựa vào ngữ liệu đọc hiểu để nhận ra nội dung trả lời cho mỗi câu hỏi, chỉ có câu 4 là câu vận dụng.
"Nếu căn cứ riêng vào phần Đọc hiểu, có thể nhận thấy mức độ yêu cầu cho đề thi Tốt nghiệp THPT đã nhẹ nhàng hơn so với đề thi THPT quốc gia trước đây - tuy nhiên điều đó ít nhiều khiến quá trình ôn luyện có thể xô lệch với tinh thần của Thông tư 22 năm 2016 về các mức độ thiết kế ma trận đề thi ( nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao)" – TS Trịnh Thu Tuyết phân tích.
Theo cô Tuyết, nếu đề tham khảo chỉ để "tham khảo", có thể xô lệch so với đề thi chính thức 8/2020, việc ôn luyện cho kì thi Tốt nghiệp THPT năm 2020 vẫn rất cần lưu tâm tới các mức độ của ma trận của Thông tư 22 năm 2016.
Theo đó, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội vẫn có mối quan hệ hữu cơ với phần Đọc hiểu. Cụ thể, câu lệnh vẫn hướng tới yêu cầu học sinh bàn luận về một bình diện (sự cần thiết) của vấn đề (tôn trọng quan điểm người khác).
Nội dung bàn luận này tuy không được trợ giúp bởi các câu hỏi đọc hiểu phần lớn ở mức độ nhận biết, nhưng phần ngữ liệu đọc hiểu lại có khá nhiều gợi ý. Vì vậy, câu viết đoạn sẽ không làm khó học trò.
Ở phần câu nghị luận văn học, TS Trịnh Thu Tuyết cho biết đề vẫn là dạng bài cảm nhận một đoạn thơ, trong đó câu lệnh yêu cầu cảm nhận cụ thể về hai định hướng nội dung hiện hữu trong đoạn thơ: khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính. Đây cũng là những nội dung kiến thức và kĩ năng quen thuộc với học sinh.
"Nhìn chung, đề thi tham khảo kì thi Tốt nghiệp THPT 2020 có một phần giảm mức độ yêu cầu với học sinh, có thể sẽ giúp cho mục đích chính của kì thi: xét Tốt nghiệp THPT; còn sự phân hóa - với đặc thù môn văn, sẽ thể hiện ngay trong mức độ trình bày, cảm nhận, khai thác ý... của mỗi em, không hoàn toàn thể hiện trong số lượng các câu như các môn khác" – cô nhận định.