Đề thi thử môn Ngữ văn của Hà Nội: Đề mở nhưng lại... hẹp!

15/03/2018 - 16:40
Trùng với sự bất ngờ, lo lắng của HS Hà Nội khi đề thi thử Ngữ văn đưa kiến thức lớp 11 vào đề nhiều hơn định hướng ôn tập, TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết - nguyên GV trường THPT Chu Văn An (Hà Nôi) cho rằng, đề có phần “vênh” so với cấu trúc đề của Bộ GD&ĐT.

Tỷ lệ kiến thức “vênh” so với đề minh họa?

Chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam, ngay sau khi có trong tay đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn của học sinh Hà Nội vào cuối giờ sáng nay 15/3, TS Trịnh Thu Tuyết đã nghiên cứu khá kỹ về toàn bộ cấu trúc đề thi.

Băn khoăn của cô Tuyết cũng trùng với sự bất ngờ của học sinh chia sẻ trước đó, khi lượng kiến thức lớp 11 đưa vào đề không đúng với tỷ lệ định hướng ôn tập mà Bộ GD&ĐT lưu tâm trước đó.

TS Trịnh Thu Tuyết có nhiều băn khoăn về đề thi thử ngữ văn Hà Nội sáng 15/3
 

Cụ thể, ở câu 2 của phần nghị luận văn học, đề yêu cầu học sinh trình bày cảm nhận về khát vọng tình yêu tuổi trẻ qua hai đoạn thơ trong hai bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh (Ngữ văn lớp 12) và “Vội vàng” của Xuân Diệu (Ngữ văn lớp 11).

“Cách mà đề yêu cầu so sánh hai đoạn thơ cho thấy, kiến thức lớp 11 chiếm 50%. Trong khi đó, đề tham khảo của Bộ thể hiện rõ tỉ lệ trọng tâm chính của phần nghị luận vẫn là toàn bộ chương trình lớp 12, phần kiến thức lớp 11 là sự liên tưởng như một thao tác so sánh nhằm làm rõ hơn kiến thức của lớp 12. Hay nói cách khác, tỷ lệ kiến thức thi của chương trình lớp 11 theo định hướng của Bộ chỉ chiếm 20% (nhằm giảm tải kiến thực cho các em ôn thi)” - cô Tuyết chỉ rõ.

Với băn khoăn này, nữ tiến sĩ cho rằng, có thể học sinh sẽ lúng túng bởi các em đã được ôn luyện và được thầy cô định hướng làm bài theo mô hình đề tham khảo mới của Bộ, trong đó trọng tâm kiến thức là chương trình lớp 12. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi học sinh bất ngờ với đề thi thử này.

“Tôi thấy hơi lo về sự vênh này giữa đề thi của Bộ và của Sở. Nếu đề của Hà Nội không đúng với hướng của Bộ GD&ĐT, biết đâu học sinh sẽ hoang mang, các em băn khoăn liệu chương trình 11 chỉ là một phần kiến thức liên tưởng hay là phần kiến thức nghị luận? Điều này sẽ chi phối ít nhiều đến việc học của học trò trong khi thời gian thi đang tới rất gần” - cô Tuyết chia sẻ.

Đề thi thử môn Ngữ văn của học sinh Hà Nội sáng 15/3/2018


Câu hỏi mở nhưng làm hẹp vấn đề

Nhận định về tổng thể đề, cô Trịnh Thu Tuyết cho rằng, đây là một đề thi có ngữ liệu đọc hiểu khá ổn, đề không khó và đi đúng vào vấn đề của con người thời hiện đại. Vấn đề của ngữ liệu là đề cập tới thái độ của con người với công việc và giá trị cuộc sống, cụ thể đưa ra cách ứng xử: Con người hoặc coi công việc là gánh nặng mưu sinh hoặc coi công việc là niềm vui bởi lợi ích của nó.

Câu 1 trong phần làm văn không trực tiếp sử dụng chủ đề của ngữ liệu đọc hiểu, tuy nhiên đưa ra vấn đề mang tính hệ quả của ngữ liệu đọc hiểu, đó là vấn đề tận hưởng cuộc sống. Đây là câu hỏi mở.

Tuy nhiên, theo cô Trịnh Thu Tuyết, câu hỏi này tuy mở nhưng yêu cầu lại vô tình làm hẹp vấn đề khi yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về “cách mà mỗi người tận hưởng cuộc sống thật sự”. Điều này khiến đề thi trở nên hẹp hơn một chút, làm hạn chế tính chất mở của đề.

“Giá như đề yêu cầu học sinh hãy trình bày suy nghĩ về “vấn đề tận hưởng cuộc sống” thì sẽ mở rộng vấn đề hơn mà vẫn bao hàm “cách tận hưởng cuộc sống” (chỉ là một ý nhỏ trong vấn đề lớn). Khi đó, khái niệm tận hưởng cuộc sống sẽ được hiểu rộng hơn để học sinh thoải mái thể hiện suy nghĩ: Thế nào là tận hưởng cuộc sống, tại sao phải tận hưởng cuộc sống và có những cách nào để tận hưởng cuộc sống?” - cô Trịnh Thu Tuyết cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm