“Cấu trúc đề thi năm nay rõ ràng hơn năm 2018 về độ khó. Không còn tình trạng đảo lộn câu hỏi khó dễ như đề thi 2018 trước đây. Theo đánh giá của tôi, các câu hỏi được sắp xếp đúng chuẩn từ dễ đến khó, thuận lợi cho thí sinh làm bài” - thầy Chí đưa ra nhận định ngay sau khi môn thi kết thúc chưa lâu vào chiều nay (25/6).
Nhận xét cụ thể đề thi, mã đề 120, thầy Nguyễn Quốc Chí cho biết:
Từ câu 1 đến 30 (Nhận biết): Thuộc mức độ nền tảng, cơ bản. Rất nhẹ nhàng cho các bạn học sinh để hoàn thành được 30 câu này.
Từ 31 đến 40 (Thông hiểu): Thuộc nhóm các câu hỏi khá hơn, nhưng không khó!. Các bạn học sinh có ý thức học từ đầu năm hoàn toàn có thể làm nhanh được những câu này. Tuy nhiên, vẫn có một vài câu hỏi ví dụ câu 34, câu 40 của mã đề 120 nên để ở phần cơ bản thì sẽ hợp lý hơn.
Nhóm 41-45 (Vận dụng): Đây là những câu hỏi dùng phân loại nhóm học sinh Khá với nhóm học sinh Giỏi. Độ khó đã khác biệt hẳn so với 40 câu trước đó. Nhưng dạng bài lại khá quen thuộc, khá giống với đề thi minh họa được công bố lúc đầu năm. Đây có vẻ đã đúng với phát biểu trước kì thi là đề thi sẽ giữ nguyên cấu trúc như đề minh Họa. Theo đánh giá khách quan của thầy, có thể cho khó hơn ở phần này cũng không vấn đề. Nhưng đề thế này khá là phù hợp với học sinh giỏi (ở trên mức khá).
Nhóm 46-50 (Vận dụng cao): Luôn là nhóm câu hỏi để tìm ra những học sinh xuất sắc nhất toàn quốc. Nên đương nhiên độ khó cao là không cần bàn cãi. Để làm được những câu này, học sinh ngoài nền tảng kiến thức vững, cần thêm chút nhạy cảm toán học. Câu 49, câu 50 mã 120 cũng khá mới.
Những kiến thức khó nhất đề năm nay bao gồm: Hình Không Gian, Hàm Số, Logarit, và Hình Tọa Độ Không Gian .
“Với kinh nghiệm luyện thi, giảng dạy và được tiếp xúc với nhiều học sinh, tôi đánh giá phổ điểm năm nay có thể nhích cao hơn ở mức 6 – 8 điểm. Đề năm nay có lẽ đã giải quyết được vấn đề phân loại nhóm học sinh khá - giỏi”, thầy Chí cho biết.