Dễ tử vong, nếu cứ viêm amidan là... cắt

03/08/2016 - 11:41
Để con trẻ không phải chịu những đợt ốm vì viêm amidan, nhiều cha mẹ quyết định cho con cắt amidan. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào viêm amidan cũng phải cắt, bởi cắt amidan có thể gây tử vong ở trẻ.
Đã có trường hợp tử vong 

Cách đây hơn 2 năm, tại BV đa khoa Thái Bình Dương, tỉnh Quang Nam, từng xảy ra ca tử vong sau khi cắt amidan. Nạn nhân là bé Võ Tấn N., 4 tuổi. Trước đó, bé N. bị đau rát cổ nên được gia đình đưa tới BV khám. Sau thăm khám, các bác sĩ tiến hành mổ cắt amidan cho bé N. Tuy nhiên, bé N. bị co giật, có biểu hiện nguy kịch nên BV Đa khoa Thái Bình Dương chuyển cháu ra BV Sản-Nhi Đà Nẵng cấp cứu. Nhưng sau đó bé N. không qua khỏi. Nguyên nhân ca tử vong được xác định do bé N. bị suy hô hấp khi hít phải dịch tiết ra từ vết mổ, sau đó chất dịch này đi vào sâu bên trong phổi dẫn đến nguy kịch và tử vong. 
a.jpg
Trẻ viêm amidan đỏ 2 bên họng
Tại BV Bạch Mai, Hà Nội, cũng từng tiếp nhân trường hợp sốc thuốc gây tê khi chuẩn bị tiến hành cắt amidan. Đó là bé P.L.C.H, 4 tuổi ở Hương Khê, Hà Tĩnh, được đưa vào BV cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Bé H. bị viêm amidan quá phát lớn, có chỉ định phải cắt amidan. Gia đình đưa bé đến BV Đa khoa Hà Tĩnh cắt amidan. Tuy nhiên, bác sĩ vừa tiêm thuốc gây mê thì bé bị sốc phản vệ co thắt thanh quản, ngừng tim, ngừng thở... Các bác sĩ tại BV Đa khoa Hà Tĩnh đã chuyển bé ra cấp cứu tại BV Bạch Mai.

Tuy những sự việc trên diễn ra khá lâu nhưng vẫn còn tính thời sự, bởi tai biến do mổ cắt amidan luôn tiềm ẩn, trong khi nhiều cha mẹ, thậm chí bác sĩ, khi thấy trẻ viêm amidan là đề nghị và chỉ định cắt.
 
Ngộ nhận về cắt amidan
 
BS Trần Thu Thủy, khoa Khám bệnh, BV Nhi TƯ cho biết, cắt amidan sẽ chỉ được bác sĩ tai mũi họng chỉ định, nếu bệnh lý kéo dài, bao gồm viêm VA/amidan mạn tính tái đi tái lại nhiều lần; viêm amdian phì đại khiến trẻ phải thở bằng miệng, nghẹt mũi, ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, ngừng thở khi ngủ...
 
“Không phải mọi trường hợp viêm amidan đều phải phẫu thuật cắt bỏ. Viêm amidan không biến chứng ở trẻ em là quá trình có lợi cho cơ thể vì giúp hình thành miễn dịch, chúng chỉ trở thành bệnh lý khi tái phát thường xuyên hoặc có biến chứng, nhất là biến chứng viêm tai giữa. Để tránh lạm dụng, quyết định nạo cắt amidan cần được thực hiện đúng quy trình, bởi các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và nội soi, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định phẫu thuật”, BS Trần Thu Thuỷ cho biết thêm.
viem-amidan.jpg
Kiểm tra sức khỏe trước khi quyết định cắt amidan
Trẻ chỉ nên cắt amidan khi viêm amidan mạn tính, tái phát nhiều lần (trên 5 lần/năm) làm ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhi. Tuy nhiên, chỉ tính các đợt viêm amidan được bác sĩ chẩn đoán rõ ràng, không tính các đợt do người bệnh tự chẩn đoán. Viêm amidan gây biến chứng như viêm phế quản phổi, viêm cơ tim, viêm cầu thận, viêm khớp, ápxe quanh amidan, viêm hạch cổ… Amidan phì đại gây tắc nghẽn, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ hoặc gây khó nuốt, khó nói. Với bệnh nhân mắc bệnh tim, lao, bệnh về máu tuyệt đối không cắt amidan.
 
Cũng như với bất kỳ ca phẫu thuật nào, cắt amidan đi kèm một số nguy cơ như chảy máu sau mổ, nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật và gây mê. Trẻ có thể có phản ứng dị ứng hay rối loạn hô hấp liên quan tới gây mê. Cần báo cáo với bác sĩ nếu trẻ có dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào.
 
BS Trần Thu Thuỷ có lời khuyên, amidan không bao giờ mọc lại nhưng mỗi cơ thể có đáp ứng khác nhau với phẫu thuật, phản ứng với gây mê của các trẻ cũng khác nhau nên rất khó dự đoán chắc chắn kết quả phẫu thuật và các biến chứng tiềm ẩn. Tiên lượng sau mổ cũng phụ thuộc cả vào tình trạng bệnh hiện có của mỗi trẻ. Mặc dù phần lớn biến chứng này rất hiếm khi xảy ra nhưng chúng từng xảy ra tại một thời điểm nào đó. Vì vậy, gia đình và bác sĩ cần cân nhắc kỹ để so sánh những nguy cơ tiềm ẩn với lợi ích của phẫu thuật trước khi đưa ra quyết định mổ căt amidan.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm