Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, bộ này đang dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Trong đó đề xuất quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng với người lao động đang làm việc ở doanh nghiệp, cụ thể:
Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
Mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Với mức áp dụng này, lương tối thiểu vùng tăng từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng so với năm 2018, tùy từng vùng (tương ứng mức bình quân tăng 5,3%).
Theo lý giải của Bộ LĐ-TB&XH, mức tăng này được tính toán dựa trên cơ sở bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2018 dự kiến khoảng 3,5% - 4% để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động; cải thiện theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 1,3% - 1,8% để thực hiện lộ trình điều chỉnh bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất áp dụng quy định tăng lương tối thiểu vùng mới từ ngày 1/1/2019.
Trước đó, ngày 13/8, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp phiến thứ 3; 15/15 thành viên của Hội đồng đã bỏ phiếu chốt phương án đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2019.
Theo đó, Hội đồng tiền lương Quốc gia thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3% so với mức lương tối thiểu năm 2018.
Năm 2018 mức tăng lương tối thiểu vùng là 6,8%, năm 2017 là 7,3%.