pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề xuất "chính thức hóa" lao động khu vực phi chính thức
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi tại phiên thảo luận về chính sách hỗ trợ người lao động. Ảnh: quochoi.vn
Tại Chuyên đề 02 của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với nội dung "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững", TS Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động đã cơ bản phục hồi và đang phát triển theo xu hướng tích cực.
Tuy nhiên, trước những tác động của suy giảm hoạt động kinh tế toàn cầu, cần quan tâm đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực; chất lượng lao động còn hạn chế, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, cần tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, thách thức như tỷ lệ việc làm phi chính thức còn ở mức cao, tỷ lệ lao động chưa qua bất cứ hình thức đào tạo nghề nào còn cao, trình độ tay nghề của người lao động còn thấp;
Thảo luận về thị trường lao động, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Thực tế cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp thấp nhưng tỉ lệ người tham gia thị trường lao động cũng thấp. Một số ngành thiếu cục bộ lao động. Phải chăng một bộ phận lao động đang khu trú ở đâu đó và chưa sẵn sàng tham gia thị trường lao động sau đại dịch? Vấn đề này rất cần tìm ra nguyên nhân, tiếp tục nghiên cứu, đây cũng là kết quả của Diễn đàn.
Liên quan đến thực hiện các gói chính sách hỗ trợ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, bên cạnh các nhóm chính sách gián tiếp, Việt Nam cũng thực hiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt với quy mô tương đối lớn như chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, chi trực tiếp thông qua khoản trợ cấp Chính phủ và chính quyền địa phương... để chi hỗ trợ người lao động, nhóm người yếu thế, người có thu nhập thấp.
Cạnh đó, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài/người lao động di cư trong nước còn gặp nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của các nhóm đối tượng còn hạn chế
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững, nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thảo luận tại diễn đàn, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng đại dịch Covid-19 chính là một phép thử cho thị trường lao động Việt Nam; trong đó, đại dịch làm đứt gãy thị trường lao động, thiếu kết nối và liên thông lao động giữa các vùng miền.
Đặc biệt, khả năng thích ứng với rủi ro là chậm và hiệu quả chưa cao, thể hiện qua việc người lao động ít khả năng tích lũy, thu nhập rất thấp, không có việc làm. Cùng với đó là hệ thống chính sách về lao động việc làm còn thiếu linh hoạt.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị cần phải "chính thức hóa" thị trường lao động ở khu vực phi chính thức", để các chính sách an sinh xã hội có thể bao phủ hết những lao động ở khu vực này.
Trao đổi về kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chính sách đào tạo, nâng cao năng suất và chăm lo đời sống của người lao động trong thời gian tới, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nêu ra 6 giải pháp; trong đó tập trung đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản toàn diện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời đảm bảo quy mô cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, bao gồm người sử dụng lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát huy, phát triển kỹ năng nghề, chú trọng đào tạo tại nơi làm việc.
Cùng với đó, xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng nhiều hơn lao động từ khu vực phi chính thức.
Đẩy mạnh dự báo nhu cầu đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là ngành nghề khoa học và kỹ thuật công nghệ; sắp xếp tổ chức mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở linh hoạt hiện đại, dễ tiếp cận và đa dạng về loại hình; hình thức tổ chức phân bổ hợp lý cả về cơ cấu ngành, trình độ vùng miền đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về đào tạo, nhất là nhân lực chất lượng cao
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Thanh cho biết, an sinh xã hội đối với người lao động được quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch thông qua các Nghị quyết 42, Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 và gần đây, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất chính sách mới để hỗ trợ, đảm bảo an sinh cho người lao động…