pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề xuất cho làm việc ở nhà vào ngày ô nhiễm không khí
Với hình thức "social debate" – tranh luận trên mạng xã hội, chiến dịch mong muốn thúc đẩy những cuộc thảo luận mạnh mẽ trên mạng xã hội, hướng sự quan tâm của cộng đồng đến vấn đề bảo vệ sức khỏe cá nhân trong những ngày chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức báo động tím (201-300) – Mức xấu: Nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, các nhóm khác nên hạn chế ra ngoài.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nồng độ trung bình năm của PM2.5 ở các đô thị Việt Nam rơi vào khoảng 28 ℳg/m3, cao hơn gấp 3 lần so với khuyến nghị trung bình năm là 10 ℳg/m3. Giai đoạn cuối năm là thời điểm ô nhiễm không khí tăng cao do sự kết hợp giữa yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn nhiễm vốn có. Liên tục trong nhiều ngày, có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội ở mức kém, ở TP.HCM cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hoá gây cản trở tầm nhìn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sự quan tâm của cộng đồng với vấn đề ô nhiễm không khí (ONKK) và tầm nghiêm trọng của nó với sức khỏe vẫn chưa đúng mức. Do đó, tuy họ cảm nhận được sự thay đổi của không khí xung quanh theo chiều hướng xấu đi thông qua các giác quan thị giác, khướu giác, họ vẫn chọn cách "ra đường bất chấp" với trang bị bảo vệ sức khỏe thô sơ hoặc thậm chí không trang bị.
Theo doanh nghiệp xã hội Change, hiện tại tình hình ô nhiễm không khí ở TP.HCM và Hà Nội đang ở mức báo động khi nhiều ngày trong năm chỉ số chất lượng không khí ở mức báo động tím (201-300). Đây là mức xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, các nhóm khác nên hạn chế ra ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp xã hội này cho rằng sự quan tâm của cộng đồng với vấn đề ô nhiễm không khí và tầm nghiêm trọng của nó với sức khỏe vẫn chưa đúng mức. Do vậy, dù cảm nhận được sự thay đổi của không khó xung quanh theo chiều hướng xấu đi thông qua các giác quan thị giác, khứu giác, nhiều người vẫn chọn cách ra đường bất chấp với trang bị bảo vệ sức khỏe thô sơ hoặc thậm chí không trang bị.
Từ đó, Change đề xuất các lãnh đạo doanh nghiệp, xem xét thêm chính sách cho nhân viên làm việc ở nhà khi những ngày chất lượng không khí (AQI) mức báo động tím; nhân viên văn phòng có thể chủ động xin được làm việc ở nhà vào những ngày này.
Với hướng đề xuất đó, bà Hoàng Thị Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Saatchi & Saatchi Việt Nam cho biết "Làm việc tại nhà tuy không phải là một phương án tối ưu, nhưng sẽ là một giải pháp linh hoạt cho các tổ chức và doanh nghiệp nên áp dụng để bảo vệ sức khỏe cho nhân viên cũng như góp phần giảm khí thải. Hãy làm việc ở nhà trong những ngày không khí bị ô nhiễm cao độ, như một hành động cụ thể để góp phần làm trong sạch môi trường".
Bên cạnh đó, Change cũng phỏng vấn người dân tại địa bàn Hà Nội, bao gồm người khuyết tật, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, nhân viên văn phòng, người nổi tiếng, người làm trong các tổ chức xã hội quan điểm của họ về ONKK, cũng như các biện pháp bảo vệ cá nhân.
MC Phan Anh chia sẻ "Tôi rất lo lắng, không phải bởi những cái chỉ số được đưa ra trên báo, trên truyền thông đâu mà mình có thể cảm nhận được ngay. Tôi nghĩ là mình nên ở trong nhà, khi mình đi ra ngoài đường vào lúc ô nhiễm quá và thêm sự nóng nực thì nhìn thấy mọi người không có ai là vui vẻ cả"
Trên thế giới, khi ONKK tăng cao, Thái Lan lần đầu tiên đã thông báo nghỉ học cho hơn 400 trường trong khu vực có nồng độ ONKK vượt ngưỡng nhằm đảm bảo sức khỏe của "thế hệ tương lai". Cùng lúc, thủ đô Thái Lan - Bangkok cũng tiến hành các chiến dịch phun nước trong thành phố lẫn vùng lân cận nhằm giảm thiểu nồng độ bụi mịn quanh trường học và những tuyến đường chính. Ấn Độ trong đợt ô nhiễm trầm trọng vào tháng 10 vừa rồi, ông Arvind Kejriwal - Thủ Hiến Thành Phố New Delhi, nơi mệnh danh là "phòng hơi ngạt" đã thông báo đóng cửa toàn bộ trường học trong khu vực. Chưa hết, chính phủ còn đưa ra chính sách hạn chế cả phương tiện cá nhân trong thành phố và cung cấp khẩu trang miễn phí cho ai buộc phải ra đường.
Trong những năm gần đây, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM đã tiến hành đo lường chỉ số PM2.5 và cung cấp dữ liệu cho công chúng. Chỉ số chất lượngkhông khí tại Hà Nội được ghi nhận có nồng độ tập trung của bụi bụi PM 2.5 là 47,9μg/m3. Tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số này là 42 μg/m3. Tất cả các chỉ số về chất lượng không khí này đều vượt quá mức khuyến cáo của WHO về chất lượng không khí, đôi khi cao gấp 4-5 lần, điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân nơi đây.
❖ Change là tổ chức phi lợi nhuận về nghiên cứu môi trường tại Việt Nam. Đồng sáng lập, kiêm Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐQT, là bà Hoàng Thị Minh Hồng, 1 trong 12 Học giả Obama đầu tiên tại trường Đại học Columbia tại New York. Bà cũng là một cá nhân có tên tuổi trong lĩnh vực môi trường, là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Nam Cực, Đặc phái viên Trẻ UNESCO. Bà có 16 năm kinh nghiệm công tác tại các vị trí quản lý cấp khu vực tại những tổ chức phi chính phủ môi trường quốc tế (như WWF, 350.org) và Việt Nam, và 8 năm làm ở các vị trí quản lý tại các doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam (Vietnam Investment Review Ltd, Venus Communications). Bà cũng là một trong 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.