pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề xuất giải pháp trao quyền cho phụ nữ vì mục tiêu phát triển bền vững
Ảnh minh họa
Ngày 21/10/2024, tại Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) diễn ra Hội thảo khoa học "Trao quyền cho phụ nữ vì mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam" với sự tham dự của các chuyên gia đến từ Viện Tâm lý học, quỹ FNF, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Hội Xã hội học Việt Nam, một số đại biểu bộ, ngành, tổ chức liên quan...
Hội thảo nhằm đánh giá thành tựu cũng như những khó khăn, rào cản của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới. Đồng thời, xác định các giải pháp trao quyền cho phụ nữ trên các lĩnh vực, nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các mục tiêu thiên niên kỷ trong cam kết quốc tế ở Việt Nam. Hội thảo đã lắng nghe 7 tham luận của các đại biểu là chuyên gia, người làm công tác nghiên cứu tập trung vào các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam: Mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục và đào tạo trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2030; mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới trong chính trị và tham chính; mục tiêu chăm sóc sức khoẻ và an toàn cho phụ nữ ; chỉ số hạnh phúc của phụ nữ và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế và việc làm; chính sách, pháp luật thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý…
13/21 chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ không đạt kế hoạch
Trong báo cáo "Tổng quan về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược bình đẳng giới ở Việt Nam đến năm 2030" của PGS.TS Đặng Thị Hoa, quyền Viện trưởng Viện Tâm lý học, nhận định: việc đầu tư cho bình đẳng giới sẽ tạo nhiều thuận lợi cho sự tăng trưởng ổn định.
"Bình đẳng giới - cần phải thay đổi ý thức và hành vi của cả nam và nữ. Bình đẳng giới thực sự chỉ tồn tại khi nam giới và phụ nữ có vị trí, giá trị và được coi trọng như nhau trong xã hội. Điều đó có nghĩa là, nam giới và phụ nữ có điều kiện như nhau để phát huy hết tiềm năng của mình và họ có thể tham gia cũng như được hưởng thụ lợi ích như nhau trong quá trình phát triển chính trị, kinh tế, xã hội", PGS.TS Đặng Thị Hoa khẳng định.
Việt Nam là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh trong 30 năm qua: đã đạt được những thành tựu về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục, y tế. Chính phủ đã đi xa hơn các quốc gia khác trong việc thực hiện thay đổi pháp luật và các chương trình xã hội để thể chế hóa vấn đề bình đẳng giới.
Trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đạt được nhiều thành quả đáng kể như: Nhiều bộ luật được sửa đổi hoặc soạn thảo nhằm thúc đẩy bình đẳng giới (Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật chống mua bán người, Bộ Luật Lao động sửa đổi…). Nhiều chương trình hành động, chính sách đặc thù, chiến lược quốc gia được thực hiện (có thể kể đến như các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số, chương trình nông thôn mới…).
"Chúng ta đã huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ… Tuy nhiên, hiện nay vẫn có 13/21 chỉ tiêu không đạt kế hoạch trong Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ; định kiến giới về vai trò và năng lực lãnh đạo của phụ nữ và nam giới còn được bảo lưu, kể cả trong cán bộ các cấp và đặc biệt là ở nhóm học vấn thấp. Vẫn còn một bộ phận người dân chưa biết về quyền trong lĩnh vực chính trị của phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ tham chính ở các cấp cơ sở còn rất hạn chế. Khả năng tiếp cận thị trường và đóng góp của phụ nữ vào kinh tế gia đình còn thấp", PGS.TS Đặng Thị Hoa cho biết...
PGS.TS Đặng Thị Hoa, quyền Viện trưởng, Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), trả lời phỏng vấn của Báo PNVN tại Hội thảo. Clip: Quang Ngọc - Lê Tường
Đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả chiến lược bình đẳng giới ở Việt Nam
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam, để đạt được mục tiêu về bình đẳng giới thực chất, có nhiều vấn đề chúng ta cần quan tâm, trong đó, nổi lên có thể kể đến như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới. Có biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới (chính sách đào tạo, luân chuyển, quy định cứng về tỷ lệ cán bộ nữ). Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào văn bản pháp luật, chính sách một cách thực chất và đúng quy trình... Kiện toàn hệ thống tổ chức và cơ chế thúc đẩy bình đẳng giới (trách nhiệm người đứng đầu; giám sát, đánh giá và chế tài). Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về bình đẳng giới. Xây dựng và phát triển các dịch vụ thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng ngân hàng dữ liệu có tách biệt giới..
Để có thể thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược bình đẳng giới ở Việt Nam đến năm 2030, qua những phân tích và kết quả nghiên cứu từ thực tế, PGS.TS Đặng Thị Hoa nêu lên một số đề xuất cụ thể, đó là: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới ở các cấp và các địa phương. Tiếp tục lồng ghép các chỉ tiêu về bình đẳng giới trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương và cần được giám sát thực hiện, đánh giá kết quả. Xem xét lại một số chỉ tiêu về bình đẳng giới cho phù hợp với thực tiễn. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, luật pháp liên quan đến bình đẳng giới để gỡ các rào cản khó đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ (như Chính sách sinh con; chính sách hỗ trợ giáo dục ở vùng nông thôn và miền núi; chính sách chăm sóc sức khỏe…).
Các mục tiêu (MT) thiên niên kỷ trong cam kết quốc tế ở Việt Nam
MT1: Chấm dứt mọi hình thức nghèo: bình đẳng tiếp cận nguồn lực kinh tế.
MT2: Chấm dứt tình trạng thiếu đói và đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng (chưa đạt).
MT3: Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy phúc lợi: đảm bảo quyền về y tế, sức khỏe, tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khoẻ giảm tử vong mẹ, sử dụng biện pháp tránh thai, khám thai… (chưa đạt).
Mt4: Bảo đảm giáo dục có chất lượng toàn diện và công bằng, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi người: (chưa đạt: mù chữ, phổ cập THCS…).
MT5: Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái: Cấm phân biệt đối xử, xóa bỏ bạo lực, tảo hôn, công nhân và đề cao công việc nội trợ (trả công và tính vào thu nhập kinh tế quốc gia); cơ hội nắm giữ vị trí lãnh đạo, tiếp cận an toàn sức khoẻ tình dục, công nghệ thông tin, trao quyền trong lĩnh vực pháp luật và xây dựng chính sách.
MT6: Bảo đảm tính sẵn có, quản lý bền vững nước và vệ sinh: quyền được hưởng thụ, tiếp cận và sử dụng nước sạch, môi trường.
MT8: Tiếp cận nguồn năng lượng hiện đại.
TM9: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, duy trì việc làm, có thu nhập.
MT10: Tiếp cận sử dụng/hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng, thành quả của công nghiệp hóa và hiện đại hóa/tăng cường sáng kiến.