pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề xuất giảm thêm điều kiện để hỗ trợ người lao động theo gói Nghị quyết 68
Thực hiện thủ tục hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng Covid-19. Ảnh minh họa VGP
Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 29/8, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Hiện nay, có địa phương có tới 93% doanh nghiệp dừng hoạt động. Đặc biệt, có tới 12,5 triệu người lao động ảnh hưởng như tạm ngưng việc, giảm việc, giảm giờ làm, thu nhập... Hơn 16 nghìn công nhân đang phải cách ly tập trung, hàng triệu người mất việc, nghỉ việc.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, đảm bảo chống dịch và thực hiện giãn cách thành công, việc chăm lo đời sống an sinh, đặc biệt không để người dân thiếu ăn là nhiệm vụ rất quan trọng. Đến nay, cả nước đã triển khai hàng triệu túi an sinh cho người dân. Nhiều cá nhân bán cả nhà, cả xe dành số tiền hỗ trợ người bị thiếu đói, nhiều trường hợp hy sinh thân mình trong quá trình chống dịch…
Về triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, ông Đào Ngọc Dung cho biết: Thời gian vừa qua, có một số tỉnh, thành phố khó khăn về kinh phí, "có tình trạng khi cơ quan chức năng tham mưu hoặc đề xuất chính sách triển khai Nghị quyết 68, lãnh đạo địa phương đã không kết luận được về việc có chi hay không chi. Nhiều địa phương còn chậm triển khai, lúng túng và sợ trách nhiệm vì việc chi trả cho lao động thiếu hồ sơ giấy tờ, dễ rủi ro".
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đánh giá về 3 vấn đề lớn các địa phương đang lúng túng triển khai hỗ trợ người dân. Cụ thể:
Thứ nhất, quá trình thực hiện Nghị quyết 68, điều kiện xác nhận về thuế đang là một trở ngại với nhiều địa phương và người sử dụng lao động. Ông Đào Ngọc Dung cho biết, ngay trong tuần này, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét, sửa đổi theo đó sẽ bãi bỏ toàn bộ điều kiện về hồ sơ xác định thuế để thúc đẩy nhanh việc hỗ trợ cho các đối tượng. Đồng thời sẽ bãi bỏ điều kiện doanh nghiệp không có nợ xấu năm 2020, để được vay tiền trả lương cho người lao động, trả lương phục hồi sản xuất.
Tính đến 26/8, cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68, tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỷ đồng, 1,2 triệu lao động tự do với 2.180 tỷ đồng được nhận, 37 nghìn hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ.
Trong tổng số kinh phí đã hỗ trợ này, các tỉnh phía Nam và một số tỉnh miền Trung chiếm 72%, riêng TPHCM đã dành trên 3.000 tỷ tiền mặt hỗ trợ lao động tự do, người yếu thế.
Thứ 2, trong tình hình giãn cách xã hội, người lao động có giao kết hợp đồng, không thể đi làm hồ sơ, để nhận hỗ trợ được. Ông Đào Ngọc Dung cho rằng, Bộ cũng hướng dẫn các địa phương có thể linh hoạt với các trường hợp lao động có giao kết hợp đồng lao động, nếu chưa hoàn thiện được hồ sơ, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động để được hưởng chính sách hỗ trợ. Những đối tượng này đang chiếm số đông ở TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Thứ 3, với các cơ sở cai nghiện ma túy, ông Đào Ngọc Dung đề nghị nghị tăng cường quản lý các cơ sở cai nghiện ma túy tại 19 tỉnh, thành phố. Hầu hết các cơ sở cai nghiện hiện nay có nhiều F0 do lây nhiễm.tTình trạng những người nghiện đi ra đường sẽ gây khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh.
Cùng với đó cần đưa những người lang thang, cơ nhỡ, không có nhà ở, cần tập trung vào những khu cách ly, các trường học, nhà văn hóa trong thời gian giãn cách xã hội, để quản lý và chăm sóc đầy đủ đời sống vật chất, tinh thần cho họ.
Liên quan tới việc hỗ trợ gạo cứu đói, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xuất cấp gạo cho 27 tỉnh, thành phố với 134 nghìn tấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương căn cứ vào hai tiêu chí quan trọng đó là "thiếu đói và phát sinh tình trạng thiếu đói" bất khả kháng do dịch bệnh, để xem xét hỗ trợ.
Trên tinh thần "không ai bị thiếu đói và việc cấp gạo phải đúng tiêu chuẩn, kịp thời, hiệu quả và không để xảy ra lãng phí", Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành cần nhanh chóng rà soát, lập hồ sơ và gửi về Bộ LĐTBXH trong tháng 8 để kịp phối hợp với Bộ Tài chính cấp gạo cho người dân vào đầu tháng 9.