Đề xuất hỗ trợ đất cho nhà trẻ tư khu công nghiệp nhằm giảm học phí

06/06/2018 - 16:01
Nội dung này được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra trước Quốc hội phiên chất vấn sáng 6/6, khi nói về những khó khăn của hoạt động trường mầm non tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trước sự quan tâm của nhiều đại biểu khi chất vấn ngành giáo dục về về phổ cập mầm non và các vấn đề tiêu cực, nhất là bạo hành trong mầm non, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nhiều thông tin giải trình bổ sung.

Ông Vũ Đức Đam cho rằng, ai cũng chia sẻ và bức xúc trước một số hiện tượng và một số nơi xảy ra bạo hành ở trường học, đặc biệt là đối với trẻ ở mầm non. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiều hạn chế trong lĩnh vực giáo dục mầm non, trong đó nổi cộm nhất về chất lượng giáo viên mầm non. Số liệu đưa ra cho thấy, vẫn còn gần 40% giáo viên mầm non hiện mới ở trình độ trung cấp. “Trung cấp cũng dạy 2 năm, do đó việc nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường sư phạm rất quan trọng, Bộ trưởng đã nói kỹ” - Phó thủ tướng khẳng định.

1_bbxt.jpg
Chất lượng giáo viên mầm non vẫn chưa đạt chuẩn, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh minh họa
 

Thứ hai, liên quan đến trách nhiệm kiểm tra, từ việc xét cho mở trường đến mở các nhóm lớp độc lập của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là độ bao phủ của mầm non, nhất là bậc nhà trẻ còn rất thấp, với chỉ 27,7%.  

“Như một đại biểu đã nói, tại sao một số trường không nhận trẻ từ đủ 3 tháng tuổi dù luật đã quy định? Thực ra có nhiều lý do, một trong những lý do rất đơn giản là nếu độ bao phủ đó không phải là 27,7% mà là 90% thì đương nhiên sẽ có nhiều trường nhận đủ các cháu, từ mức khó như Bộ trưởng nói là 3 tháng tuổi. Còn mới có 10 người nhu cầu đi học, lớp đủ cho 3 người thì đương nhiên cơ sở giáo dục đó có xu hướng chọn đối tượng dễ hơn cho họ” - Phó Thủ tướng cho hay.

Giải quyết tình trạng này một cách khẩn thiết chính là phát triển nhanh cơ sở các trường, nếu chưa có trường thì các cụm lớp độc lập nhưng phải đủ điều kiện. “Tôi tha thiết mong chính quyền các địa phương phải làm tốt hơn, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Chúng tôi đi khảo sát cụ thể nơi nào mà chú trọng thì tỷ lệ trẻ được đến tốt hơn” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội về thực trạng đi khảo sát các khu công nghiệp, nơi ở của công nhân thu nhập thấp. Thực tế cho thấy, trường công học phí trung bình của mầm non là 900.000 đến 1,1 triệu đồng.

Còn với các nhóm trẻ tư thục, phần lớn được lấy nhà riêng để làm cơ sở từ những người đã gắn bó với ngành giáo dục làm bằng tấm lòng. Học phí chỉ lấy bằng hoặc cao hơn mức phí trường công lập một chút. Nếu trường tư đầu tư từ ban đầu thì buộc họ phải lấy cao hơn, điều này rất khó khăn cho công nhân.

“Vì vậy ngoài việc lập trường công, chúng ta rất cần mô hình nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ một phần cho địa điểm và để trường tư mở nhằm giảm tải học phí” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất.

Liên quan đến tình trạng bạo hành trẻ, quan điểm của Phó Thủ tướng là nếu có bạo hành với trẻ em, cương quyết đề nghị trong mọi trường hợp là phải đưa ra khỏi ngành giáo dục. Không thể vì một số cá nhân đó ảnh hưởng chung đến toàn ngành.

“Dù rằng việc đưa ra khỏi ngành có thể làm rất khó khăn cho đời sống sau này của cá nhân người đó hoặc gia đình họ nhưng không thể vì thế làm ảnh hưởng cả ngành giáo dục” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Rà soát toàn bộ giáo viên mầm non để bố trí công việc

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định trước Quốc hội tại phiên chất vấn sáng nay 6/6. Theo đó, ông Tân cho hay, nhiều địa phương, các cơ sở giáo dục công lập thực hiện số lượng hợp đồng làm công tác chuyên môn rất lớn trong thời gian qua. Có đơn vị biên chế được giao chưa sử dụng hết nhưng vẫn thực hiện ký hợp đồng. “Nghị quyết 19 nêu rất rõ là chấm dứt tình trạng tự duyệt biên chế, biên chế cao hơn số lượng biên chế của cơ quan có thẩm quyền giao. Tôi đề nghị các địa phương phải rà soát lại biên chế được giao, đánh giá năng lực các giáo viên. Việc ký hợp đồng tại các cơ sở mầm non, hiện nay tuyển dụng giáo viên mầm non thuân thủ quy định tuyển dụng công chức. Chính phủ yêu cầu đối với giáo viên mầm non vẫn thực hiện theo hợp đồng lao động trong định mức giáo viên, hưởng chế độ như viên chức. Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương thực hiện việc rà soát toàn bộ giáo viên mầm non, để bố trí công việc, nếu không bố trí được thì mới tinh giản biên chế” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm