Đề xuất Hội LHPNVN tham gia Hội đồng thẩm định chương trình mới

26/04/2018 - 19:11
Thông tin trên được nêu ra tại hội thảo về “Lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong chương trình môn học phổ thông” do Hội LHPNVN tổ chức tại Hà Nội vào chiều ngày 26/4. Tổng chủ biên chương trình - GS Nguyễn Minh Thuyết - cho biết đã đề xuất Bộ GD&ĐT về việc mời đại diện Hội LHPNVN tham gia Hội đồng thẩm định chương trình.

Hội thảo nhằm cập nhật thông tin về quá trình xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và bộ môn. Qua đó, chia sẻ về việc lồng ghép giới trong các dự thảo chương trình và giới thiệu chương trình thí điểm cụ thể hóa việc lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong các môn học phù hợp như: Toán, Giáo dục công dân và Hoạt động trải nghiệm.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp cho 2 nội dung nói trên đã có sự sát sườn với thực trạng chương trình. Đây là hoạt động trọng tâm của Hội LHPNVN trong năm 2018, trong đó có giám sát, phản biện xã hội, lồng ghép giới trong xây dựng luật pháp, chính sách. Chủ biên các môn học và tổng chủ biên - GS Nguyễn Minh Thuyết - đã có sự lắng nghe và ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội thảo.

img_0930.jpg
Hội thảo thu hút nhiều chia sẻ của chuyên gia, đại biểu về vấn đề giới và giáo dục tài chính chương trình mới. Ảnh: D.H

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo, TƯ Hội LHPNVN cho biết, qua tìm hiểu, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng đồng nhất giới có nghĩa là chỉ nói về phụ nữ, vì thế cần phải đưa tác giả nữ vào nhiều hơn trong môn học, hoặc đưa nhiều hình ảnh của phụ nữ vào sách giáo khoa thì mới thể hiện được sự bình đẳng giới.

“Hiểu như vậy là chưa đầy đủ. Nói riêng ví dụ về môn Ngữ văn, theo tôi không phải quan trọng là tác giả, tác phẩm đề cập đến nam hay nữ mà vấn dề ở đây là mối quan hệ xã hội của phụ nữ và nam giới như thế nào, hoc sinh cảm thụ mối quan hệ ấy ra sao, hay góc nhìn ngày nay so với bối cảnh lịch sử của tác phẩm liên quan đến yếu tố giới… Đó mới là nói sâu về bình đẳng giới”, bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết.

Còn theo bà Trần Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chánh Văn phòng TƯ Hội LHPNVN, vấn đề bình đẳng giới cần phải được dạy ngay từ lớp 1 với liều lượng và nội dung phù hợp. Từ đó, tùy mỗi cấp học, lứa tuổi để đề cập nội dung này một cách linh hoạt.

“Trẻ tiểu học ít nhất phải học được sự tôn trọng lẫn nhau, giữa đồng giới và khác giới. Trẻ phải nhận biết được giá trị bản thân mình, từ đó biết cách tự bảo vệ mình”, bà Trần Thu Thủy nêu quan điểm.

Đối với cấp học cao hơn, theo bà Trần Thu Thủy, chương trình cần dạy cho các em, đặc biệt là học sinh nữ có cái nhìn vượt qua định kiến trong gia đình về lĩnh vực hướng nghiệp. Theo bà, có một thực tế là công việc nào giá trị thấp thì phụ nữ làm, còn liên quan đến kỹ thuật thì giao cho nam giới.

“Theo tôi, cần để cho các em hiểu giá trị công việc, trên cơ sở đó để các em tự định hướng cơ hội công việc cho bản thân, phù hợp với khả năng, điều kiện và không ngại va chạm để có được cơ hội công việc yêu thích”, bà Trần Thu Thủy nói.

Còn theo ý kiến của bà Hà Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, nếu chỉ khiên cưỡng đưa vấn đề bình đẳng giới vào từng nội dung môn học, điều này chưa chắc đã thắng lợi. Theo bà Vân, chương trình tổng thể cần có một nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình giáo dục phổ thông. Đó là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt, từ đó trao quyền cho thầy cô trực tiếp giảng dạy, có nhìn nhận đúng, đủ, toàn diện về vấn đề giới trong từng môn học một.

Một điều nữa cũng được bà Hà Thanh Vân lưu ý là giáo dục về bình đẳng giới trong nhà trường thôi chưa đủ, mà cần có sự phối hợp với việc giáo dục chính phụ huynh. Bà đề nghị Hội làm đầu mối trong việc hỗ trợ chính các bố mẹ về vấn đề bình đẳng giới, bởi có hiểu thì bản thân họ mới có thể định hướng đúng cho con.

Hội LHPNVN đồng hành cùng Bộ GD&ĐT trong xây dựng chương trình mới

Tại hội thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cho biết, cả 2 nội dung về giáo dục tài chính và bình đẳng giới đều quan trọng, tưởng tách rời nhau nhưng vẫn liên kết với nhau, bổ trợ cho nhau. Trong đó, với những đóng góp sát sườn của Hội LHPNVN, vấn đề tích hợp về bình đẳng giới đã có những nội dung khá rõ ràng, hữu ích.

gs.jpg
GS Nguyễn Minh Thuyết (bìa trái) đề nghị Hội LHPNVN tiếp tục đồng hành cùng chương trình mới với 2 nội dung quan trọng. Ảnh: D.H

 

Đối với Hội LHPNVN, GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị 3 điều. Thứ nhất là Hội tiếp tục đóng góp ý kiến cho chương trình môn học với 2 nội dung trên để tổng hợp và chọn lọc các ý kiến, tiến tới hoàn thiện đề án.

Thứ hai, GS Nguyễn Minh Thuyết đã có đề xuất với Bộ GD&ĐT về việc mời đại diện Hội LHPNVN tham gia Hội đồng thẩm định một số môn học. Đề xuất này đã được chuyển đến lãnh đạo Bộ và sẽ sớm có công văn mời đại diện Hội cùng tham gia.

Cuối cùng, GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị Hội LHPNVN phối hợp với một vài tổ chức khác để cử người tham gia tập huấn cho giáo viên, cho cán bộ viết sách giáo khoa về vấn đề bình đẳng giới và giáo dục tài chính trong thời gian tới.

Kết luận tại hội thảo, bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, cho biết sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến đối với 2 nội dung trên và các môn học cụ thể.

pct.jpg
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương (trái) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: D.H

 

“Mong muốn của chúng tôi là các thầy cô giáo làm sao hiện thực hóa các nội dung về bình đẳng giới, chuyển tải tới học sinh với các phương pháp giáo dục về quan điểm giới, lăng kính giới đồng bộ, đặc biệt đưa các hoạt động hướng nghiệp đưa vào mềm dẻo để học sinh tiếp thu, thực hành”, Phó Chủ tịch Trần Thị Hương cho hay.

Cũng theo Phó Chủ tịch Trần Thị Hương, Hội LHPNVN mong muốn đồng hành cùng Bộ GD&ĐT trong các hoạt động tiếp theo như tập huấn cho người biên soạn sách và giáo viên về bình đẳng giới và giáo dục tài chính, đồng thời tham gia Hội đồng thẩm định để có ý kiến thỏa đáng vào biên soạn chương trình mới, liên quan đến 2 nội dung này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm