Tính đến tháng 4/2019, cả nước có 11,3 triệu người cao tuổi và 6,2 triệu người khuyết tật có thẻ BHYT, chiếm 95%, hiện tại chỉ còn khoảng 5% người cao tuổi, người khuyết tật chưa có thẻ BHYT.
Số người cao tuổi chưa có thẻ BHYT chủ yếu thuộc nhóm từ 60 đến 79 tuổi – họ không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc không thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội.
Mới đây, Bộ Y tế có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về công tác xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức thực hiện, phấn đấu 100% người cao tuổi có thẻ BHYT trước năm 2020.
Bộ này đã phối hợp tiến hành rà soát toàn bộ các chính sách an sinh xã hội với người cao tuổi theo các quy định của pháp luật. Theo đó, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ trước mắt xem xét điều chỉnh mức đóng, nâng mức hỗ trợ đóng BHYT đối với người cao tuổi. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ nhóm người cao tuổi từ 60 - 79 tuổi tham gia BHYT theo hộ gia đình và hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng phương án huy động ngân sách từ nguồn kinh phí của địa phương để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cao tuổi và người khuyết tật chưa có thẻ BHYT trên địa bàn, ngoài phần kinh phí đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Theo tính toán, mức ngân sách hỗ trợ tại 63 tỉnh/thành đóng BHYT đối với người cao tuổi dự kiến là 700.000 đồng/1 người cao tuổi hoặc người khuyết tật/1 năm, dự kiến khoảng 600 tỉ đồng/năm.