pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề xuất phát triển mô hình sản xuất giúp đẩy lùi cây chứa chất ma túy ở Lai Châu
Gia đình chị Lò Thị Chăn - hội viên Chi hội phụ nữ bản Nà Ít - với mô hình chăn nuôi dê sinh sản, dê thịt và dê giống. Ảnh minh họa
Mặc dù Lai Châu là địa bàn phức tạp về tình trạng trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy nhưng thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy tới người dân và mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi các mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao đã góp phẩn đẩy lùi cây thuốc phiện. Cụ thể, năm 2022 Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu được Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn hợp đồng thực hiện hỗ trợ 450 triệu đồng để thực hiện mô hình chăn nuôi dê sinh sản trên địa bàn xã Khoen On, huyện Than Uyên, từ nguồn vốn chương trình phòng chống ma túy.
Tổng số hộ tham gia thực hiện mô hình 30 hộ, hỗ trợ 85 con dê (80 dê cái giống nội trung bình 17 kg/con và 5 dê đực giống lai trung bình 30 kg), trong đó: 25 hộ được hỗ trợ 03 con/hộ (03 dê cái), 5 hộ hỗ trợ 02 con/hộ (01 dê đực, 01 dê cái). Sau 12 tháng nuôi, tỷ lệ sống của đàn dê đã cấp đạt 100%, dê sinh trưởng và phát triển tốt, dê cái sinh sản được 2 lứa, lứa đầu mỗi con dê cái sinh được 1con, lứa 2 mỗi con sinh được 1-2 con.
Mô hình được triển khai đã góp phần tăng thu nhập các hộ nghèo người dân tộc thiểu số tham gia, trang bị các kiến thức khoa học về chăn nuôi; giúp bà con thuộc hộ nghèo định hướng, mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển sản xuất, từng bước mang lại hiệu quả thiết thực, làm ăn có hiệu quả; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế và giảm nghèo bền vững và thay thế cây có chứa chất ma túy trong dài hạn và đảm bảo tính bền vững của công tác xóa bỏ cây có chứa chất ma túy tại địa phương.
Ngoài ra, các xã có diện tích cây thuốc phiện được phá nhổ niên vụ 2022-2023 đã thực hiện lồng ghép hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình, chính sách hỗ trợ sản xuất khác như: Hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân, để thay thế xóa bỏ cây có chứa chất ma túy.
Sở NN và PTNT Lai Châu cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương xem xét bố trí kinh phí để thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, đưa các loại cây trồng, vật nuôi để nâng cao đời sống cho các hộ dân, góp phần phòng chống việc tái trồng cây có chất ma túy trên địa bàn.