Sắc thắm hoa đào đẩy lùi cây thuốc phiện ở “thánh địa ma túy” Lóng Luông

Nguyễn Đông Phong
02/12/2023 - 21:23
Sắc thắm hoa đào đẩy lùi cây thuốc phiện ở “thánh địa ma túy” Lóng Luông

Hoa đào nở thắm trời ở Lóng Luông. Ảnh tư liệu.

Từng được biết đến là một trong những địa phương có diện tích trồng cây thuốc phiện lớn ở vùng Tây Bắc nhưng với sự vào cuộc của các cấp ngành, giờ đây, cây thuốc phiện đã được đẩy lùi và thay thế bằng sắc thắm của hoa đào.

Thủ phủ ma túy…

Xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, Sơn La) nằm trải dài chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 6. Nơi đây từ lâu được xem như "cửa ngõ" kết nối giữa 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình. Ở Lóng Luông, cộng đồng dân tộc như Thái, Kinh, Mường, Dao, Mông… quần tụ, sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm phần lớn với tỷ lệ hơn 76% dân số.

Đến các bản San Cài, Tà Dê, Co Lóng của xã Lóng Luông vào thời điểm cuối năm, người ta dễ dàng có thể cảm nhận được sắc thắm của những bông hoa đào – một loại cây đặc trưng của vùng đất Sơn La. Thế nhưng, ít ai từng biết, vào những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, ở Lóng Luông, cây thuốc phiện chính là cây trồng chủ đạo.

Nhớ lại Lóng Luông những ngày đó, trò chuyện với tôi, ông Giàng A Dê, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông vẫn còn thảng thốt. Ông Dê bảo thời ấy, cây thuốc phiện được phép trồng, mua bán, trao đổi và rất có giá nên hầu như ở Lóng Luông, nhà nào cũng trồng. Trồng ở đồi không đủ, họ mang cả hạt giống vào các thung lũng núi đá vãi đầy ra đó.

Khác với những loại cây khác, cây thuốc phiện rất dễ trồng, lớn nhanh và hầu như không phải chăm sóc nên thời điểm vào mùa, cả Lóng Luông bạt ngàn màu tím ngắt của hoa cây thuốc phiện. Thời ấy, cây thuốc phiện là thứ cây trồng chủ lực và nói không quá khi đã làm thay đổi kinh tế của biết bao gia đình.

Sắc thắm hoa đào đẩy lùi cây thuốc phiện ở “thánh địa ma túy” Lóng Luông- Ảnh 1.

Thủ phủ ma túy Lóng Luông giờ đây đã yên bình trở lại.

Và như một lẽ tự nhiên, hầu như nhà nào cũng sắm cho mình một bàn đèn để hút thuốc phiện. Thời ấy, người ta hút thuốc phiện, mời nhau hút thuốc phiện như người ta mời nhau điếu thuốc bây giờ. Đến nhà nhau chơi mà không có thuốc phiện để hút thì câu chuyện nhạt lắm. Thế là người già hút, kéo theo thanh niên cũng hút rồi thì phụ nữ sau khi sinh đẻ bị đau bụng cũng nướng một tý thuốc phiện đen lên nuốt để giảm đau… Cứ thế mà cây thuốc phiện ăn sâu, bén rễ vào đời sống của người dân ở Lóng Luông.

"Thế nên, đến năm 1993, Nhà nước vận động xóa bỏ cây thuốc phiện, người dân ở Lóng Luông phản đối rất dữ dội. Không cho trồng nữa, họ lấy gì để sống, lấy thuốc đâu mà hút. Thế nên, một mặt họ đồng ý nhưng một mặt lại mang hạt thuốc phiện vào tận núi sâu để trồng và thu hoạch lén lút. Thế nên, thời điểm đó, chính quyền địa phương phải rất vất vả trong việc xóa bỏ cây thuốc phiện", ông Dê nhớ lại.

Sắc thắm hoa đào đẩy lùi cây thuốc phiện ở “thánh địa ma túy” Lóng Luông- Ảnh 2.

Theo ông Giàng A Dê, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông thì vào những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, dọc Tuyến Quốc lộ 6 đoạn qua địa phận xã Lóng Luông trồng nhiều cây thuốc phiện. Ảnh tư liệu.

Những năm sau đó, Nhà nước nghiêm cấm trồng cây thuốc phiện, lực lượng công an và chính quyền sở tại mở nhiều đợt ra quân tổng lực tìm và diệt cây thuốc phiện đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm với các cá nhân có hành vi vi phạm nên cây thuốc phiện hầu như đã không còn xuất hiện ở Lóng Luông. Ông Dê bảo: "Nói là hầu như bởi vì vẫn còn tồn tại nhưng hành vi trồng lén lút của người dân.".

Còn trong trí nhớ của ông Sồng A Tồng, nguyên Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Tà Dê thì xã Lóng Luông trong hai năm 2012 - 2013 trở thành "điểm nóng" về tình trạng buôn bán, tàng trữ và là nơi trung chuyển thuốc phiện của những ông trùm ma túy, đặc biệt nhất là hai đối tượng Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận. Sau khi hai đối tượng cộm cán này bị tiêu diệt thì cuộc sống của bà con đã bình yên trở lại.

… bình yên trở lại

Tiệm sửa xe của anh Tráng A Tuấn (SN 1981) nằm ở ngay con đường khang trang nối tiếp giáp giữa xã Lóng Luông và xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình). Anh Tuấn kể, thời điểm Lóng Luông còn "nóng" về ma túy và cây thuốc phiện, tiệm sửa xe của anh ngày nào cũng đông nghịt khách, thậm chí, có những ngày lượng khách còn đông hơn so với cả tháng bây giờ.

"Họ đều từ trên bản xuống, chở và vận chuyển ma túy nhiều nên họ phải thường xuyên kiểm tra, sửa chữa để đảm bảo cho xe chạy ngon. Hơn nữa, những con đường mòn thường xấu, xe rất hay hư hỏng nên tiệm nhà tôi lúc nào cũng kín khách", anh Tuấn chia sẻ.

Người chủ cửa tiệm sửa xe tâm sự thêm, đến thời điểm hiện tại, dù thu nhập từ việc sửa xe của gia đình không được như những năm trước nhưng bản thân anh vẫn cảm thấy vui vì quê hương được yên bình, không còn tiếng súng nổ cũng như tệ nạn về ma túy giảm nhiều.

Sắc thắm hoa đào đẩy lùi cây thuốc phiện ở “thánh địa ma túy” Lóng Luông- Ảnh 3.

Người phụ nữ ngồi thêu dưới ánh nắng ngày mới ở Lóng Luông.

Nói về sự "hồi sinh" nơi "vùng đất dữ" Lóng Luông, ông Dê không giấu được sự phấn khởi. Vị chủ tịch xã chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, đời sống của người dân ở Lóng Luông đã ổn định, xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm đều qua từng năm và đến nay chỉ còn 18%. "Các tai nạn, tệ nạn, đặc biệt liên quan đến ma túy cũng đã giảm rõ rệt", ông Dê cho biết.

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã được quan tâm, đầu tư và phát triển. Nơi đây ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao. Đường giao thông, trường học, trạm xá được chính quyền địa phương ưu tiên đầu tư xây dựng. Nhờ đó mà diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Theo ông Dê, xã Lóng Luông đang thực hiện nhiều mô hình kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân. Trong đó, tập trung chuyển đổi cây trồng từ lúa, ngô sang chuyên canh trồng chanh leo, đậu đỗ và đặc biệt là trồng đào, trồng mận.

Giờ đây, thay thê cho những đồi cây thuốc phiện trước kia là những vườn cây ăn quả, cây hoa với đủ sắc màu. Nhiều nơi được thay bằng những nương ngô xanh ngút tầm mắt. Lác đác bên các triền đồi mọc lên những ngôi nhà gỗ khang trang. Thống kê đến thời điểm hiện tại, tòa xã Lóng Luông đã có 33 ha chanh leo và 400 ha trồng đào cho kết quả tốt.

"Diện tích trồng đào lớn nhưng hiện tại người dân mới chỉ trồng để bán gốc, bán cành phục vụ Tết Nguyên đán, chính quyền xã cũng hướng đến việc kết hợp trồng cây đào với phát triển du lịch sinh thái để đạt được kết quả tốt hơn", ông Dê cho biết.

Sắc thắm hoa đào đẩy lùi cây thuốc phiện ở “thánh địa ma túy” Lóng Luông- Ảnh 4.

Khung cảnh yên bình ở thủ phủ ma túy một thời.

Những năm qua, ngoài đời sống vật chất, tinh thần, tình hình phát triển kinh tế - xã hội có bước phát triển tích cực. Chất lượng công tác giáo dục - đào tạo trên địa bàn xã Lóng Luông cũng nhờ đó mà tăng lên.

Giờ đây, người dân ở Lóng Luông không ai còn nhắc đến chuyện tái trồng cây thuốc phiện nữa mà là những câu chuyện để người dân tránh xa loại cây cấm này. Chị Sồng Thị Chao (40 tuổi) ở bản Tà Dê là một trong số những phụ nữ không may có chồng từng lầm lỡ, phải đi tù. Mấy mẹ con cứ thế nương tựa vào nhau để trải qua những tháng ngày cơ cực nhất của cuộc đời. Bởi thế, bản thân chị và các con thấu hiểu hơn ai hết việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

"Chồng tôi phạm tội phải đi tù. Tôi một mình phải nuôi 5 con và 1 cháu họ. Trước đây, gia đình tôi thuộc diện nghèo. May mắn gia đình được người dân địa phương, họ hàng giúp đỡ. Nhờ sự tuyên truyền hỗ trợ của chính quyền, tôi đã tăng gia sản xuất và trồng trọt. Hiện, cuộc sống đã ổn định, không còn nghèo khó như trước nữa. Tôi luôn nhắc nhở các con không được vi phạm pháp luật; không dính dáng gì đến ma túy mà phải chăm chỉ học hành, làm ăn để có cuộc sống đầy đủ hơn", chị Chao bộc bạch.

Tín hiệu mừng từ giáo dục

Ông Lương Văn Huyến, Hiệu trưởng Trường THCS Lóng Luông cho biết, Lóng Luông là xã vùng 3 thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Vân Hồ. Địa bàn xã rộng, gồm 9 bản với 1.380 hộ và 7.028 nhân khẩu. Nơi đây có 4 dân tộc sinh sống: Mông, Dao, Thái, Kinh (người Mông chiếm đa số). Năm 2018, lực lượng chức năng triệt phá tụ điểm mua bán trái phép chất ma túy và tiêu diệt được đối tượng truy nã ở bản Lũng Xá, Tà Dê. Đến nay cơ bản tình hình an ninh trật tự được đảm bảo.

Theo ông Huyến, những gia đình có người thân sa vào tệ nạn ma túy (có bố, mẹ bị bắt hoặc đi cai nghiện) đã làm ảnh hưởng đến thế hệ trẻ. Do thiếu thốn tình cảm, một số em đã bỏ học, thậm chí cũng "lầm đường, lạc lối", mắc các tệ nạn xã hội. Trước tình hình đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ngoại khóa.

Sắc thắm hoa đào đẩy lùi cây thuốc phiện ở “thánh địa ma túy” Lóng Luông- Ảnh 5.

Cán bộ Công an xã Lóng Luông bám sát địa bàn, làm tốt công tác dân vận. Ảnh: Minh Phong.

Rất nhiều chủ đề thiết thực được các thầy cô triển khai tuyên truyền như: "Cái chết trắng"; "Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống". Nhiều trường đã xây dựng hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, tiểu phẩm, hoạt cảnh cho học sinh đóng nhập vai. Qua đó, giúp các em nhận thức được hậu quả của ma túy ảnh hưởng đến gia đình, làng bản, thậm chí dẫn đến cái chết như thế nào.

"Đối với học sinh bỏ học, chúng tôi đã chỉ đạo thầy cô đến nhà động viên các em ra lớp. Do vậy, tình trạng học sinh bỏ học đã giảm dần. Năm học 2022 - 2023, nhà trường có sĩ số học sinh là 582 em, tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 97,8%. Còn năm học 2023 - 2024 là 595 em, tỷ lệ tuyển sinh đạt 99,4%.

Tại xã, có 4 bản nằm cách xa nhà trường, vì vậy, chúng tôi đã đề nghị cho các em hưởng chế độ bán trú, giúp các em đi lại đỡ vất vả. Ngoài ra, trong những năm học vừa qua, chúng tôi còn phát động thầy cô và học sinh ủng hộ tiền (nuôi heo đất) để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có bố, mẹ hoặc cả 2 bị giam giữ, giúp các em yên tâm học tập", thầy Huyến cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm