Mùa vàng ở nơi từng là thủ phủ ma túy miền Tây Bắc

MÙA VÀNG Ở NƠI TỪNG LÀ THỦ PHỦ MA TUÝ MIỀN TÂY BẮC

Người Mông ở Thung Mặn, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình giờ đã biết trồng cam để thay thế cây ngô, cây lúa. Ở thung lũng từng được coi là khô hạn nhất đất Mường, nay bà con người Mông đã có mùa cam bội thu.

Mùa vàng ở nơi từng là thủ phủ ma túy miền Tây Bắc - Ảnh 1.

Ở thung lũng từng được coi là khô hạn nhất đất Mường, nay bà con người Mông đã có mùa cam bội thu

Bản Thung Mặn là nơi thiếu nước trầm trọng. Vào tháng 3-4 hàng năm, bà con người Mông nơi đây thường phải đi cả mấy cây số để tìm nước sinh hoạt.

Năm 2017, vợ chồng chị Giàng Thị Mai (SN 1988) ở bản Hang Kia, xã Hang Kia đã mạnh dạn thuê đất ở bản Thung Mặn để trồng cam. Cái tin vợ chồng chị Mai muốn thuê đất trồng cam khiến nhiều người ngỡ ngàng vì nơi đây thiếu nước thì trồng cam thế nào.

Vợ chồng chị Mai thì lại động viên nhau: "Cứ đầu tư khoan giếng đưa nước lên tưới cây. Vợ chồng mình cứ chịu khó làm, chắc chắn sẽ thành công".

Mùa vàng ở nơi từng là thủ phủ ma túy miền Tây Bắc - Ảnh 2.

Những năm trước đây, bà con người Mông ở bản thiếu nước sinh hoạt trầm trọng nên việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nay bà con đã mạnh dạn khoan giếng, tiềm năng đất đai của Thung Mặn được đánh thức

Vợ chồng chị Mai đã thuê 2 ha đất của bà con ở bản Thung Mặn trồng hơn nghìn gốc cam. Vốn đã quen trồng ngô, tra lúa nương nên việc trồng cây có múi gặp nhiều bỡ ngỡ. Suốt 2 năm đầu, trồng cam chưa thu được đồng nào, vợ chồng chị phải vay mượn chạy vạy khắp nơi mới có đủ tiền để chăm vườn cam. Đất không phụ công người, đến năm thứ 3, vườn cam đã cho quả bói. "Vợ chồng tôi mừng lắm. Vui hơn là chất lượng cam ăn rất ngon và thơm. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, vợ chồng tôi thu được 3 tấn cam, bán được gần 100 triệu đồng".

Có động lực từ việc thu lứa cam đầu, vợ chồng chị Mai tiếp tục đầu tư phân bón để chăm sóc vườn cam. Vụ thu hoạch cam thứ 2, vợ chồng chị thu được 700 triệu đồng.

Bà con người Mông đã mạnh dạn đưa cây cam vào trồng trên đất núi, cây cam phát triển tốt và cho thu hoạch cao gấp nhiều lần trồng lúa

Vườn cam của chị Mai nằm lọt thỏm trong thung lũng. Từng hàng cam sai trĩu quả. Dưới ánh nắng chiều đông, vườn cam nhuộm vàng rực cả một vùng. Trong vườn, chị trồng nhiều loại cam khác nhau như cam Canh, cam Vinh và cam Valencia (cam chín muộn, cho thu hoạch sau Tết).

Mùa vàng ở nơi từng là thủ phủ ma túy miền Tây Bắc - Ảnh 4.

Em bé theo mẹ ra vườn thu hoạch cam

Cây cam có đủ nước tưới nên phát triển rất nhanh. Hiện thương lái đã đến tận vườn đặt mua cam. Một việc mà chưa từng diễn ra ở Thung Mặn, bởi lẽ suốt nhiều năm qua, bà con người Mông chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Nguồn thu nhập chính của bà con người Mông là mang con lợn, con gà ra chợ bán đổi nhu yếu phẩm. Việc vợ chồng chị Mai mạnh dạn đưa cây có múi vào trồng trên diện rộng đã làm thay đổi quan niệm về sản xuất của bà con người Mông nơi đây.

Sau 6 năm trồng cam, chị Mai đã có kinh nghiệm chăm sóc. Vợ chồng chị đang lên kế hoạch là liên kết với những hộ dân có đất để mở rộng vườn cam. Bà con góp đất và bỏ công chăm sóc, vợ chồng chị sẽ đầu tư giống, phân bón và lo phần kĩ thuật. Lợi nhuận thu được từ vườn cam sẽ được chia đôi.

Thu hoạch cam ở Thung Mặn. Hiện bản Thung Mặn trồng được 16ha cam các loại

Theo tính toán của chị Mai, đất ở Thung Mặn có thể trồng được 700 cây cam canh. Sau 3 năm, cây cho quả bói. Đến năm thứ 4, mỗi cây cam cho thu khoảng 20kg quả. Như vậy mỗi ha đất có thể thu được 14 tấn cam, với giá bán 40.000đ/kg. Trừ chi phí, mỗi ha cam cho thu 300 - 400 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng ngô, trồng sắn. Hơn nữa, khi cây cam đã trưởng thành, việc chăm sóc và đầu tư sẽ ít dần, trong khi đó sản lượng lại tăng lên.

Mùa vàng ở nơi từng là thủ phủ ma túy miền Tây Bắc - Ảnh 6.

Cây cam Canh được trồng ở Thung Mặn là cách làm mới, mang lại hiệu quả kinh tế

Mùa vàng ở nơi từng là thủ phủ ma túy miền Tây Bắc - Ảnh 7.

Những mùa vàng bội thu là hình ảnh mới ở đất Thung Mặn. Bao đời nay, bà con người Mông chỉ trồng lúa nương và tra ngô. Từ khi cây cam bén rễ đất này, phụ nữ người Mông có thêm việc làm và thu nhập

Cách làm của chị Mai sẽ mở ra hướng đi mới và tạo công ăn, việc làm cho nhiều phụ nữ người Mông nơi đây.

Phụ nữ người dân tộc Mông ở Thung Mặn tham gia thu hoạch cam.