Đề xuất tăng cường truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm môi trường

05/11/2019 - 18:34
Vi phạm gây ô nhiễm môi trường, đe dọa tính mạng người dân, song nhiều tội phạm môi trường vẫn chưa được xử lý hình sự, mức độ xử án chưa đủ sức răn đe. Nhiều ĐBQH đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường nghiệp vụ để có đủ cơ sở pháp lý trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Tội phạm môi trường là vấn đề được đại biểu Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang) đặc biệt quan tâm, khi thảo luận về tình hình phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật tại Quốc hội sáng 5/11. Theo ông, mức độ vi phạm lĩnh vực này mặc dù nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chính tính mạng người dân nhưng mức độ xử lý vi phạm hiện chưa đủ sức răn đe.

Về tính chất, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường có diễn biến phức tạp, nghiêm trọng xảy ra trên nhiều lĩnh vực như hoạt động xả thải, quy chuẩn của các khu công nghiệp. Chuyển giao xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại không đúng quy định. Nhập khẩu phế liệu, thiết bị máy móc đã qua sử dụng trái quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước do chất thải công nghiệp.

Các khu chăn nuôi tập trung gây thiệt hại về tài sản, môi trường sống, nguồn nước gây bức xúc trong nhân dân như các vụ ô nhiễm chất thải công nghiệp làm chết cá hàng loạt trên sông Cái Lớn, Hậu Giang, La Ngà, Đồng Nai và gần đây nhất là vụ xả dầu thải vào nguồn nước sông Đà...

Đại biểu Ngô Sách Thực 

Xử lý vi phạm môi trường chưa thỏa đáng, theo đại biểu Thực là do chưa có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các lực lượng chức năng, của các cấp, các ngành. Theo quy định, các cấp chính quyền đều có thẩm quyền về xử phạt hành chính, kể cả chính quyền cấp xã, nhưng việc xử lý này có nơi xử lý nghiêm, có nơi còn né tránh và có hiện tượng phạt cho tồn tại, sau phạt thì vẫn có  tái phạm. Một số nơi cơ quan chức năng vào cuộc chưa kịp thời, dẫn đến phản ứng tiêu cực của người dân và ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của người dân và một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế.

“Theo tôi, cần phải có giải pháp tổng thể trong các nội dung này quy định việc Chính phủ cần đưa ra các giải pháp tổng hợp làm sao nâng cao nhận thức, giáo dục, công tác kiểm tra, xử lý, xét xử công khai và hoàn thiện các quy định của pháp luật. Đặc biệt việc xét xử về vi phạm môi trường cần chọn các vụ điển hình để làm sao có tính răn đe và thực hiện pháp luật cho nghiêm minh” – Đại biểu Ngô Sách Thực đề xuất.

Lấy ví dụ cụ thể hơn về một số vụ gây ảnh hưởng nghiêm trọng như vụ đổ trộm dầu thải tại đầu nguồn Nhà máy nước sông Đà khiến nguồn nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng hơn 300.000 hộ gia đình ở Hà Nội, hay vụ cháy ở Nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông làm phát tán thủy ngân… đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) nhận định, việc xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường chưa triệt để, mức xử lý chưa đủ sức răn đe.

Đại biểu này đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe, giáo dục chung về vi phạm pháp luật môi trường.

Đồng thời chỉ đạo thanh, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý, bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, đặc biệt là việc xử lý nước thải trong thời gian qua.

Cũng theo ông, một số vụ việc liên quan đến sự cố môi trường của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lúng túng không kịp đưa ra những thông tin chính xác, hướng dẫn giải pháp để người dân phòng tránh, khắc phục. Do vậy, người dân không biết tin và bấu víu vào đâu.

“Do đó, đề nghị Chính phủ quy định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra thảm họa môi trường. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, người dân nội dung nhiệm vụ hành động công việc cụ thể để ứng phó. Đặc biệt, trước mắt và lâu dài cần có giải pháp tổng thể để bảo vệ an ninh nguồn nước, cung cấp nước sạch cho người dân” – Đại biểu Hùng nói.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng 

Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng), tội phạm môi trường là một trong những nhóm tội phạm có tỷ lệ tội phạm ẩn rất cao nên nếu so sánh số xử lý hình sự với số vi phạm trên thực tế thì tỷ lệ trên sẽ còn nhỏ hơn rất nhiều. Trong khi đó, phần lớn vụ chưa được xử lý hình sự.

“Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với các cơ quan chức năng như Thanh tra, Cảnh sát môi trường, cơ quan điều tra. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, các biện pháp nghiệp vụ trong công tác thu thập chứng cứ, đánh giá thiệt hại để có đủ cơ sở pháp lý trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường” – đại biểu Hiển cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm