Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) thay thế cho Nghị định số 38/2012 chính thức có hiệu lực từ ngày 2/2/2018. Sau một thời gian thực hiện, nhiều đơn vị phản ánh còn một số vướng mắc và Cục đã nhanh chóng phối hợp giải thích, tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp.
Thực tế, một số đơn vị cho biết, trong quá trình kiểm tra có thực hiện test nhanh. Tuy nhiên, kết quả test có vấn đề nhưng không xử lý được. Vấn đề này, ông Phong cho biết, test chỉ khẳng định trong sản phẩm có chất không được phép hay không và đó là cơ sở để xử lý vi phạm. Nếu kết quả test cho thấy có những chất cấm, không thuộc danh mục được sử dụng trong thực phẩm thì cứ có là vi phạm và bị xử phạt. Ví như, trong thực phẩm không được có hàn the, nếu kết quả test có hàn the thì cứ theo quy định để xử lý.
Tuy nhiên, theo ông Phong, có những chất được phép sử dụng nhưng ở một giới hạn nhất định. Nếu test mà có chất đó thì chưa thể khẳng định họ có vi phạm hay không mà phải lấy mẫu về tiếp tục phân tích. Nếu kết quả phân tích chất đó vượt ngưỡng cho phép thì đơn vị sản xuất mới vi phạm và bị xử phạt.
Một trong những thắc mắc được nhiều doanh nghiệp phản ánh là khi được tự công bố sản phẩm thì có phải chờ chính quyền địa phương xác nhận hay không. Ông Phong cho biết, khi doanh nghiệp tự công bố thực phẩm và gửi bản công bố đến địa phương thì không cần chờ đồng ý hay không mà vẫn có thể tự sản xuất. Miễn là khi kiểm tra, cơ quan chưc năng thấy doanh nghiệp đã gửi bản đã tự công bố hay chưa. Còn việc chính quyền địa phương có công bố hay không thì không phải là nhiệm vụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải công bố các chỉ tiêu theo quy định của pháp luật, nếu không đúng thì phải tự chịu trách nhiệm.
Cũng theo ông Phong, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã thay đổi cơ bản phương thức quản lý của cơ quan nhà nước. Trong đó, cơ quan chức năng sẽ tập trung mọi nguồn lực tối đa cho công tác hậu kiểm.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi Nghị định 178/2012 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP theo hướng tăng nặng, bổ sung các hình thức xử phạt bổ sung, các tình tiết tăng nặng như rút giấy phép, đình chỉ sản xuất... Đồng thời, đề nghị các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Cũng bởi, Nghị định 15 đã tạo điều kiện thông thoáng thì doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc”, ông Phong nói.