'Đêm hoa lệ' - show diễn tôn vinh các giá trị cũ của Sài Gòn xưa

03/04/2018 - 18:01
Show diễn đã lồng ghép trong sân khấu, khán giả thật chiêm ngưỡng khán giả diễn viên – những người thực hiện đã phục dựng cả một không gian thưởng thức nghệ thuật “một thời vang bóng”.
Khán giả có mặt coi show diễn - được dàn dựng bởi bàn tay đạo diễn Vũ Trần, biên kịch Trác Thúy Miêu - được một phen bất ngờ ngay khi vở diễn bắt đầu. Ở hàng ghế đầu tiên, các diễn viên ngồi trộn lẫn với khán giả và mang đến một vụ cãi vã, suýt dẫn đến xô xát. Tình huống có thể đổi khác qua mỗi đêm diễn, nhưng câu chốt lại của nam diễn viên trong vai nhân viên nhà hát thì không đổi: “Cái thời gì mà toàn những chuyện kỳ lạ thế này?”.
dem-hoa-le-5.JPG
Trác Thúy Miêu là người dẫn chuyện duyên dáng, kết nối các tiết mục đặc sắc của đêm diễn

Rồi Trác Thúy Miêu đi ra, âm nhạc vang lên ngay khi khán giả còn chưa khỏi ngỡ ngàng với màn xô xát, hỗn độn trước đó. Trác Thúy Miêu dần kể, nhắc nhớ những nét đẹp xưa cũ của một Sài Gòn hoa lệ, thanh lịch. Một Sài Gòn mà những người ở tuổi ngoài 40 như Trác Thúy Miêu, và ở tuổi của 1 nữ sinh trong tà áo dài trắng luôn chỉ được nghe về Sài Gòn qua lời kể của ngoại. Rằng “Ngày xưa ngoại bận áo dài đẹp lắm”, “Ngày xưa Sài Gòn đẹp lắm, thanh lịch lắm”, “Ngày xưa xưa người dân mình mê đi rạp hát xem cải lương lắm”...  Và không khỏi thắc mắc: “Ủa, mà sao tôi toàn nghe ngoại với mẹ tôi kể không vậy hà? Còn tôi sao tôi thấy Sài Gòn giờ xô bồ quá vậy, đâu có đẹp đẽ gì đâu? Tôi phải đi đâu tìm kiếm Sài Gòn quá đẹp đẽ như trong ký ức của ngoại?”

dai-gon-dem-hoa-le-3.jpg
Trích đoạn vở tuồng cổ Lữ Bố hí Điêu Thuyền
Những thắc mắc ấy đã là cái cớ chính đáng, dẫn dắt người xem mê mải dõi theo một đêm diễn mà ở đó không chỉ có tiếng đàn nguyệt, đàn kìm của một dàn nghệ nhân đờn ca tài tử mà còn có cả một trích đoạn tuồng hát bội San Hậu vô cùng lạ mắt, lạ tai với khán giả thời hiện đại. Ở đó, trên sân khấu, ngoài các nghệ sĩ mải miết chơi đờn, ca tài tử thì còn có hàng chục diễn viên là các nam, nữ người mẫu. Họ, kẻ thì sắm vai các quan Tây, người sắm quan ta, và có người lại sắm vai thương gia người Hoa, vai phụ nữ quyền quý, vai cô bán báo chữ quốc ngữ... tất cả ngồi hai bên cánh gà sân khấu, mê mải thưởng lãm tiết mục chính đang diễn ra. Mỗi nam nữ người mẫu mang đến một phong cách thời trang, một bộ điệu đặc trưng, toát lên những “thần thái” đặc trưng của một giai tầng trong xã hội cũ.
khan-gia-nuc-long-den-roi-le-vi-vo-dien-dem-hoa-le-3.JPG
Nghệ sĩ Bạch Tuyết trình diễn trước khán giả là các quan tây, quan ta, nam thanh nữ tú... trên sân khấu

Show diễn còn có trích đoạn cải lương – có thể nói là tiết mục đinh của cả chương trình – với phần thể hiện của nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết. Trên sân khấu với trang phục lộng lẫy, lấp lánh kiêu sa, được chăm chút tỉ mẩn đến từng chi tiết… nữ nghệ sĩ gạo cội đã tái hiện không gian tiêu biểu của cải lương thời hoàng kim với tác phẩm Thái hậu Dương Vân Nga. Trước tiết mục này, trong lời dẫn chuyện, Trác Thúy Miêu cũng kịp kể lại một giai thoại về bà hoàng sân khấu, lừng lẫy một thời Thanh Nga, khiến ai nấy ngậm ngùi vì sự ra đi đột ngột của bà. Người thay thế Thanh Nga xứng tầm chính là Bạch Tuyết. Trong trích đoạn kéo dài 20 phút, giọng ca 73 tuổi vẫn thể hiện trọn vẹn thần thái quyền uy, lẫm liệt cùng nỗi đau xót của một bà hoàng trước vận mệnh đất nước.

sai-gon-dem-hoa-le-5-jpg-5869-1512038212_500x300.jpg
Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết cất cao giọng hát đầy quyền uy
Sau những trích đoạn cải lương, tuồng cổ còn có cả những câu chuyện vỉa hè đầy tính thời sự và cũng đậm tình người. Chuyện dọn vỉa hè của quận 1, chuyện chặt cây xanh ở đường Tôn Đức Thắng, chuyện tranh cãi về cái gọi là văn hóa vỉa hè, về sự du nhập văn hóa phương Tây, phương Bắc giữa mảnh đất Sài Gòn… được Trác Thúy Miêu cùng các nam thanh nữ tú bày biện, tranh luận trong những cuộc “trà dư tửu hậu” vô cùng hài hước ý nhị, giữa không gian là quán nhậu vỉa hè với xe cút kít, với bia lade của một thời xa cũ, với âm nhạc là những bản bolero cất lên từ hè phố, từ anh bán mì gõ hát karaoke cho tới cô gái mù bán vé số… Và ở cuối chương trình là màn trình diễn, bộ sưu tập áo dài qua các thời kỳ của NTK Sỹ Hoàng được trình diễn đã thực sự khiến người xem sửng sốt với vẻ đẹp tuyệt đối, đi cùng năm tháng của áo dài.
dem-hoa-le-6.jpg
Nhiều hoạt cảnh của đời sống vỉa hè - nơi lưu giữ vẻ đẹp của một Sài Gòn xưa cũ ngay trong cuộc sống sôi động hiện tại

Và ở "Đêm hoa lệ" này, lẩn khuất trong những lời dẫn truyện của Trác Thúy Miêu là cả tiếng lòng thổn thức của cả một thế hệ "không ký ức" - thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ mà mọi tinh hoa văn hóa đều gần như đi vào tàn lụi: các rạp hát vang bóng một thời cứ ngày một mất đi không dấu vết và việc "lén lút nhảy đầm là một tội đồ, là mầm mống của lối sống tư sản sai lầm".

"Đêm hoa lệ" sẽ được công diễn rộng rãi tới công chúng mỗi tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần tại Nhà hát Chợ Lớn của NTK Sỹ Hoàng, Q.5, TP.HCM.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm