Đến lượt đại học 'đốt đuốc' tìm sinh viên

04/04/2017 - 13:15
Về tận trường THPT tư vấn, tổ chức cho học sinh “thử” làm sinh viên, chi tiền mở hội trại ở các tỉnh lân cận… là những “chiêu” mà ngay cả các trường ĐH tốp đầu cũng sử dụng để hút thí sinh trước kỳ tuyển sinh ĐH năm nay.

Trải nghiệm làm sinh viên

 Học sinh được trải nghiệm làm sinh viên tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Thay vì “rung đùi” chờ sinh viên như mọi năm, ngay trước kỳ tuyển sinh ĐH năm nay, rất nhiều trường ĐH tốp đầu đã ra quân rầm rộ để hút người học. Cách làm này trước đây thường chỉ có các trường ngoài công lập, ĐH công lập khó tuyển sinh mới nghĩ đến.

Đây là thời điểm nở rộ các hoạt động tư vấn tuyển sinh khi mà từ nay đến 20/4, học sinh sẽ quyết định chính thức các nguyện vọng dự tuyển của mình trước khi tham gia thi THPT Quốc gia.

Thay vì cách thức truyền thống là tư vấn tại chỗ, năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội đã gây ấn tượng mạnh với học sinh bằng hoạt động “Open day” - một ngày là sinh viên Bách khoa, thu hút hàng trăm học sinh Hà Nội tham gia.

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Đại học, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, đây là hoạt động tư vấn tuyển sinh mới hoàn toàn, nhằm thu hút sự chú ý của học sinh.
“Không chỉ tổ chức cho học sinh Hà Nội, ngày 9/4 tới đây trường sẽ có xe đưa đón các em tại trường THPT ngoại tỉnh, mời các em ăn trưa miễn phí tại trường, quy mô dự kiến khoảng 700 em tham gia sự kiện này” -ông Điền cho hay.

Chia sẻ về ngày trải nghiệm vừa tham gia ngày 26/3, Trần Minh Phượng (trường THPT Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Được ngồi trên giảng đường nghe giảng, ăn trưa tại nhà ăn của sinh viên, hay trực tiếp tham gia buổi thực hành thí nghiệm là những trải nghiệm thực sự mới mẻ với em. Mục tiêu của em là đỗ vào ngành Thiết kế thời trang của trường nên cảm thấy khá thú vị khi có cơ hội tham gia trải nghiệm hấp dẫn này".

Về tận trường phổ thông tư vấn

 ĐH Thủy lợi năm nay cử cán bộ về tận các trường THPT để trực tiếp tư vấn tuyển sinh.

Không chỉ Bách khoa, nhiều trường ĐH có tiếng khác còn tổ chức hoạt động tuyển sinh với nhiều hình thức đa dạng. ĐH Thủy Lợi trong tháng 3 tổ chức hàng loạt các hoạt động: Hội chợ việc làm, hội trại và tư vấn tuyển sinh cho 50 trường THPT tại Hưng Yên, tư vấn trực tiếp tại Bắc Ninh, Hà Nam… Trường còn cử giảng viên, cán bộ từng khoa đến các trường THPT để tư vấn.

Ông Trần Văn Thạc, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho hay, năm nay, hoạt động tuyển sinh được chú trọng và tăng tốc hơn. “Trường còn tiếp tục diễn ra nhiều cách thức tư vấn tuyển sinh khác, với mục tiêu đưa hình ảnh của trường đến với học sinh một cách rộng rãi hơn” - ông Thạc nói

 Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tổ chức tư vấn tuyển sinh tại trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, HN). Nguồn ảnh: spnttw.edu.vn

Trường tốp đầu cũng không đủ tuyển chỉ tiêu
Năm 2016, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, kết thúc đợt 1 xét tuyển ĐH, có tới hơn 100.000 thí sinh trên điểm sàn của Bộ không nhập học vào bất kỳ trường ĐH nào. Năm nay, 2017, được dự báo sẽ không còn tình trạng ảo do có cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các trường sẽ tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Thiếu trầm trọng người học, năm 2016, nhiều trường tốp đầu đồng loạt giảm điểm xét tuyển đầu vào. “Thê thảm” nhất là nhiều trường được đánh giá cao và có điểm chuẩn hằng năm khá cao đã đồng loạt hạ xuống 15 điểm đầu vào khiến phụ huynh, học sinh ngỡ ngàng.

Cụ thể, tất cả các trường và khoa thành viên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (trừ một số ngành), Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Cần Thơ… trong năm 2016 đều nhận hồ sơ xét tuyển ở mức 15 điểm.

Theo một chuyên gia giáo dục, các trường ĐH kể cả trường top đầu phải đối mặt với thực tế là ngày càng không lấp đầy chỉ tiêu. Thậm chí, không ít trường đang đối diện với hai thất bại lớn: Số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp không ngừng tăng và làn sóng du học của học sinh Việt Nam ngày càng lớn.

Trong khi đó, một hướng đi rất mới, nhưng đầy tích cực là có một số lượng không nhỏ học sinh đã chuyển hướng vào các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng… với mong muốn sớm có việc làm, ổn định thu nhập.

Đây là những lý do khiến ngay cả những trường ĐH tốp đầu vốn chỉ cần "ngồi im" chờ thí sinh đã phải thay đổi quan điểm, nghĩ ra nhiều chiêu tiếp thị nhằm thu hút thí sinh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm