Ngày 29/6, bác sĩ Đặng Bích Diệp (BV Da liễu TƯ) cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân N.M.H. (25 tuổi, ở Hà Nội) bị cháy nắng do thích "sống ảo".
Trước đó, bệnh nhân đi du lịch biển cùng gia đình. Mặc dù nhiệt độ bên ngoài nắng gắt, bệnh nhân chỉ sử dụng kem chống nắng rồi ra bãi biển tạo dáng, chụp ảnh để "sống ảo". Chỉ sau 2 ngày, toàn bộ vùng da "hở nắng" như: cổ, mặt, cánh tay, lưng… của bệnh nhân đã đỏ lựng và bỏng rát. Làn da bị tổn thương càng trở nên bỏng rát khi cọ xát với bất cứ vật gì. Vì vậy, bệnh nhân đành kết thúc kỳ nghỉ sớm để đến BV điều trị.
Tại BV, các bác sĩ đã kê đơn thuốc giúp bệnh nhân hạn chế cảm giác khó chịu do cháy nắng. Tuy nhiên, sau một tuần, hai bên cánh tay của bệnh nhân xuất hiện đầy những đốm đen loang lổ, phải sau một thời gian mới có thể trở lại như trước.
Trường hợp của bệnh nhân H. Không phải là hiếm. Những ngày vừa qua, dù nắng gắt những vẫn có rất nhiều người phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân ngành điện, vệ sinh môi trường. Nguyên nhân là trong khi làm việc, nhiều người không dùng bảo hộ lao động, chỉ đeo chiếc khẩu trang khiến người bị đỏ rát, bong tróc toàn bộ vùng mặt và cổ phải đến BV cấp cứu.
Theo bác sĩ Diệp, khi phơi nắng ngoài trời lâu, bệnh nhân có thể bị cháy nắng. Theo đó, bệnh nhân thường có cảm giác vô cùng đau rát, châm chích ở vùng da tổn thương. Vùng da bị cháy nắng có thể để lại tình trạng tăng sắc tố sau viêm, gây sạm da, đẩy nhanh quá trình lão hóa da. Nếu tiếp xúc kéo dài với tia UV, bệnh nhân có thể bị ung thư da.
Khi da bị cháy nắng, bệnh nhân nên làm mát cơ thể bằng cách tắm, chườm khăn mát, đắp nha đam lên vùng da tổn thương. Sau khi làm mát, có thể bôi một lớp kem dưỡng ẩm lên da, đặc biệt là loại kem có chiết xuất nha đam.
Với các trường hợp nặng hơn, cảm giác đau đớn, khó chịu, bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định các thuốc chống viêm và giảm đau.