Đi khám vì kinh nguyệt thất thường, nữ điều dưỡng 25 tuổi ngất lịm khi nhận kết quả

LÊ PHƯƠNG
24/09/2022 - 14:22
Hiện không ít chị em chủ quan về vấn đề sức khỏe sinh sản, đến khi muốn có con mới đi khám và phát hiện những bất thường, thậm chí vuột mất khả năng làm mẹ.

Nữ điều dưỡng ân hận vì sự chủ quan của bản thân

Ths.BS Pham Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, hiện tình trạng vô sinh, hiếm muộn đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, rất nhiều người chủ quan không đi khám dù cơ thể đã có dấu hiệu cảnh báo sớm. Quá trình thăm khám, bác sĩ Thành từng tiếp nhận một trường hợp là nữ điều dưỡng tên Bích Hằng, bị hiếm muộn dù mới tuổi 25.

Theo chia sẻ của Bích Hằng, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô đã lập gia đình và xin vào làm việc tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Do mới xin được việc, hai vợ chồng Hằng quyết định chưa có con vội, để lo công việc và kinh tế ổn định mới sinh con.

Khi công việc ổn định, hai vợ chồng Hằng bắt đầu có ý định sinh em bé nhưng sau một thời gian “thả cửa” vẫn không có bầu, khiến cả hai lo lắng. Hằng chia sẻ, chu kỳ kinh nguyệt của cô không đều, đặc biệt trước khi đến viện khám cô còn bị mất kinh 6 tháng liên tục.

Rất nhiều trường hợp vuột mất cơ hội làm mẹ chỉ vì chủ quan, đi khám muộn dù có dấu hiệu cảnh báo trước.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, sau khi thăm khám, bác sĩ Phan Chí Thành vô cùng bất ngờ vì qua siêu âm phát hiện buồng trứng của nữ điều dưỡng này gần như không còn các nang trứng. Xét nghiệm hormone dự trữ buồng trứng AMH còn rất thấp, bệnh nhân được chẩn đoán mắc căn bệnh suy buồng trứng sớm.

Bác sĩ Thành cho biết với kết quả thăm khám trên, cơ hội làm mẹ của Hằng còn rất ít. Khi biết tin, nữ điều dưỡng trẻ đã bật khóc, suy sụp và ngất lịm.

"Khi tỉnh lại, nữ điều dưỡng không tin vào điều đó. Bệnh nhân vô cùng ân hận, day dứt, nghĩ rằng giá như mình đi khám sản phụ khoa sớm hơn thì đã được tư vấn và điều trị kịp thời. Đối với trường hợp này nếu đi khám sớm, khi còn kinh nguyệt đều, chúng tôi sẽ tư vấn cho bệnh nhân sinh sản sớm hơn”, bác sĩ Thành chia sẻ.

Dù bệnh nhân được chẩn đoán bị suy buồng trứng nhưng kinh nguyệt vẫn còn, dù vài tháng mới có kinh một lần. Điều đó đồng nghĩa với việc, trứng bệnh nhân còn nhưng vài tháng mới được 1 quả. Trước khát khao được làm mẹ của Hằng, bác sĩ Thành cùng các đồng nghiệp đã dùng thuốc kích trứng, động viên bệnh nhân bơm IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) và theo dõi suốt nhiều tháng trời. Kết quả sau 3 chu kỳ kinh bệnh nhân đã có thai.

“Đây là trường hợp rất may mắn vì đến khám khi chưa bị mãn kinh hoàn toàn nên bác sĩ có thể can thiệp cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân này để thêm 1-2 năm nữa mới đi khám sẽ mãn kinh, không thể sinh sản và nguy cơ lão hóa rất nhanh", bác sĩ Thành nói.

Trường hợp suy buồng trứng, thiếu hụt hormone cần phải bổ sung để không ảnh hưởng đến chức năng khác. Ảnh minh họa.

Ngoài sinh sản rất nhiều vấn đề khác bị ảnh hưởng

Ngoài vấn đề liên quan đến sinh sản, với những trường hợp như bệnh nhân Bích Hằng, việc điều trị bổ sung hormone thay thế cần phải duy trì. Nếu bệnh nhân không điều trị sẽ giống như “bà già” trong cơ thể tuổi đôi mươi. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới đời sống vợ chồng, giảm ham muốn, nguy cơ mắc nhiều bệnh lý tim mạch, huyết áp, tuyến giáp…

Qua trường hợp trên, bác sĩ Thành khuyên với những cặp đôi đã lấy nhau, nếu trì hoãn việc sinh con vì bất cứ lý do nào đó cũng nên đi khám sức khỏe sinh sản trước. Bác sĩ hỗ trợ sinh sản sẽ tư vấn cho các cặp đôi. Đối với các trường hợp có nguy cơ mãn kinh sớm bắt buộc phải điều trị nội tiết tố thay thế để thể không bị lão hóa sớm.

Hiện nay, trước xu hướng phụ nữ lập gia đình muộn hơn trước (có người sau 35 tuổi), bác sĩ Thành khuyên các chị em có ý định lập gia đình muộn nên đi khám phụ khoa để xem chất lượng trứng của mình còn tốt hay không. Với những phụ nữ có khả năng tài chính tốt, muốn bảo tồn khả năng sinh sản có thể chọn phương án trữ trứng.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm