Đi ngược đường để gây dựng thương hiệu “Cô gái Bh.nong”

Trần Lê
08/07/2021 - 13:17
Đi ngược đường để gây dựng thương hiệu “Cô gái Bh.nong”

Võ Minh Nga, sáng lập thương hiệu Cô gái Bh.nong.

Thời điểm dịch Covid-19 này, mỗi ngày trên đất nước mình cũng có hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp tạm đóng cửa, người lao động phải chịu cảnh thất nghiệp. Nhân viên của cơ sở kinh doanh gạo mang thương hiệu "Cô gái Bh.nong" hầu hết là hộ nghèo, khó khăn, mẹ đơn thân, họ không có công việc hay thu nhập nào ngoài đồng lương tại đây. Vì thế, mất việc là mất cả nguồn sống với họ.

Chọn về quê để "đổi đời", Võ Minh Nga đã vượt qua sự chỉ trích rất lớn từ xã hội và gia đình để gây dựng thương hiệu "Cô gái Bh.nong" chuyên sản xuất và chế biến các sản phẩm từ gạo lứt rẫy của bà con dân tộc tỉnh Quảng Nam.

Từ bỏ nghề báo, mang theo 50 triệu đồng, số tiền tích cóp được trong 6 năm để về quê khởi nghiệp, đó là lựa chọn của Võ Minh Nga. Không những thế, từ số vốn ít ỏi của mình, cô còn trích 20 triệu để đi làm từ thiện. Việc làm này không phải ai cũng chấp nhận được, bởi ra thành phố là "giấc mộng đổi đời" của nhiều thanh niên lớn lên từ các làng quê nghèo khó.

Minh Nga nhớ lại: Mỗi khi nghe ba má gọi điện bảo: "Quê mình nay chỉ còn người già và trẻ con, thanh niên bỏ xứ đi hết. Nhà máy xí nghiệp đỏ mắt tìm không ra. Quê đã nghèo lại còn nghèo hơn. Con ơi ở yên đó, xin đừng về!", lúc đó tôi muốn về quê để đổi đời. Tôi muốn thiết kế lại cuộc đời mình trên chính quê hương mình.

Nơi Minh Nga sống là khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam, xung quanh đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số. Việc canh tác trồng trọt rất manh mún và nhỏ lẻ. Ở đây, bà con trồng loại lúa chỉ sinh trưởng trên đất khô, không cần phân thuốc mà vẫn cho hạt gạo màu đỏ thơm lành, những hạt ngọc của Trời. Nhưng lâu nay bà con vốn trồng đủ để ăn, chứ chưa có khái niệm trồng để bán. Minh Nga bắt đầu gặp họ, nhờ họ canh tác thêm gạo lứt trên những thửa đất rẫy của họ. Sau đó, thu mua về, phơi khô, xay xát, chế biến (rang, sấy) thành nhiều sản phẩm. 

Đi ngược đường để gây dựng thương hiệu “Cô gái Bh.nong” - Ảnh 1.

Võ Minh Nga, khỏi nghiệp với các sản phẩm gạp lứt mang thương hiệu Cô gái Bh.nong.

Nhờ chất lượng sản phẩm thơm ngon, giàu dinh dưỡng gạo lứt Bh.nong đã nhanh chóng tạo dựng thị trường tiêu thụ mạnh tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, khu vực miền Tây, TP Đà Nẵng…. Khi kinh doanh có lợi nhuận ổn định, Minh Nga quay lại thu mua lúa của bà con giá cao hơn, giúp họ mở rộng canh tác. Phần còn lại cô giúp họ sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ họ thuốc men, phương tiện học hành cho trẻ em, bảo hiểm cho người già...

Doanh nghiệp vì cộng đồng

Bh.nong là một doanh nghiệp khởi nghiệp còn nhỏ bé đặt ngay trên mảnh đất Hiệp Đức, một huyện miền núi còn nghèo khó của tỉnh Quảng Nam. Trên hành trình từ một chái bếp đơn sơ đến đến một nhà máy quy mô hơn, Bh.nong đã trải qua rất nhiều khó khăn. Minh Nga cho biết.

Khó khăn lớn nhất là áp lực xã hội và áp lực gia đình. Từ một người phụ nữ ở một làng quê nghèo, ra thành phố, có công việc, thu nhập ổn định và một vị trí xã hội nhất định, Minh Nga trở thành một tấm gương thoát nghèo thành công ở quê. Vậy nên, khi bỏ tất cả để về quê cô vấp phải sự chỉ trích lớn từ xã hội và gia đình. 

Tuy nhiên, xác định đi ngược đường, bao giờ cũng có những ý kiến trái chiều, nhà sáng lập thương hiệu Cô gái Bh.nong cho biết, cô sẵn sàng chấp nhận. Đó là cái khó khăn không phải chỉ riêng cô mà tất cả những người có tư duy và suy nghĩ ngược đường sẽ gặp phải khi về quê khởi nghiệp.

Về quê để mở doanh nghiệp, Minh Nga xác định sẽ là doanh nghiệp xã hội, hoạt động vì cộng đồng. Đây là mô hình còn khá mới mẻ còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng quê, ở giới trẻ. Thường khi khởi nghiệp, khó khăn, mọi người sẽ luôn chú trọng tới vấn đề lợi nhuận. Người ta hay nghĩ là một doanh nghiệp vì cộng đồng là một doanh nghiệp đã phát triển lớn mạnh và có được nguồn lợi nhuận. Nhưng Minh Nga xác định, doanh nghiệp cộng đồng không để làm giàu riêng cho bản thân mà là để tạo công ăn việc làm thu nhập tốt cho bà con và lợi nhuận quay trở lại mình sẽ mang đi phục vụ cho quê hương, mình giúp những người nghèo.

Đi kèm với việc tăng chất lượng qua việc xây dựng nhà máy đạt chuẩn ISO, HACCP, VSATTP..., Minh Nga luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng để hoàn thiện mỗi ngày. Ví dụ như: thay túi xách đựng sản phẩm từ nilong sang túi giấy, thiệp cảm ơn sang trọng hơn, từng bước in thơ lên sản phẩm. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng cũng sẽ nâng cao hơn chất lượng phục vụ để trao khách hàng nhiều giá trị hơn. 

Đi ngược đường để gây dựng thương hiệu “Cô gái Bh.nong” - Ảnh 3.

Nguồn nguyên liệu của Bh.nong là 100% gạo lứt của người đồng bào dân tộc thiểu số canh tác.

Hiện nay, tại Bh.nong, 100% nông dân trồng gạo lứt là người đồng bào dân tộc thiểu số; 100% nhân viên là phụ nữ tại địa phương thuộc diện thiếu việc làm trước đó; 80% là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nghèo, gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống...; 20% lợi nhuận được trích ra để xây nhà, trường học, trao học bổng cho học sinh nghèo, nuôi trẻ mồ côi...

Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Nguồn nguyên liệu của Bh.nong là 100% gạo lứt của người đồng bào dân tộc thiểu số canh tác. Như vậy, nguồn nguyên liệu sẽ sạch hơn và nó mang giá trị nét văn hóa truyền thống của người đồng bào. Đây cũng là một lợi thế của Cô gái B.nong khi mang ra quảng bá trên thị trường.

Dù gần đây, thời tiết khắc nghiệt ở miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng làm việc canh tác, gieo trồng lúa rẫy hết sức khó khăn. Mưa bão và hạn kéo làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa dẫn đến giá đầu vào của nguyên liệu tăng lên. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều loại chi phí sản xuất tăng cao, làm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ bé như Nga chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đi ngược đường để gây dựng thương hiệu “Cô gái Bh.nong” - Ảnh 4.

20% lợi nhuận của công ty được Minh Nga trích ra để xây nhà, trường học, trao học bổng cho học sinh nghèo, nuôi trẻ mồ côi...

Hiện hàng ngàn hộp trà gạo lứt rẫy rang ra chưa xuất được. Hơn 1/2 nhân viên đã phải tạm nghỉ việc. Số còn lại lâm vào cảnh "làm bữa nay lo bữa mai". Mỗi ngày bà con đều gọi Nga nhờ giúp đỡ xem có việc làm lại chưa, khi nào sẽ đi làm lại... rồi rưng rưng khóc vì còn cảnh con dại, không chồng hay chồng đau ốm bệnh tật... Đó là điều Nga cảm thấy đau lòng nhất.

Mặc dù Nga biết thời điểm này, mỗi ngày trên đất nước mình cũng có hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp tạm đóng cửa, người lao động phải chịu cảnh thất nghiệp. Nhưng nhân viên của Nga là hộ nghèo, khó khăn, mẹ đơn thân, họ không có công việc hay thu nhập nào ngoài đồng lương tại Bh.nong cả. Vì thế mất việc là mất cả nguồn sống. Nữ CEO tâm sự, giữa một bên là giảm chất lượng, giữ nguyên giá và một bên là tăng chất lượng và tăng giá, Bh.nong đã chọn điều thứ 2, bởi cô luôn mong muốn, giữ vững và nâng tầm giá trị cho đặc sản quê hương.

Võ Minh Nga, sáng lập thương hiệu Cô gái Bh.nong. Địa chỉ: Tổ 5, Khối phố An Tây, TT Tân Bình, Huyện Hiệp Đức, Quảng Nam, ĐT: 0965 411 804 Fanpage: GẠO LỨT RẪY BH.NONG. Website: https://gaolutraybhnong.com/

Cô gái Bh.nong có các sản phẩm chính là: dòng sản phẩm từ gạo lứt rẫy Bh.nong như: trà gạo lứt, bột gạo lứt, gạo lứt sấy rong biển, gạo lứt sống. Ngoài ra, còn có các loại đặc sản rừng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, và làm đẹp… sản phẩm tinh bột nghệ rừng Bh.nong, mật ong rừng già Bh.nong cũng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bí quyết khởi nghiệp:

- Chuẩn bị sẵn kế hoạch cụ thể, chi tiết, rõ ràng

- Hướng tới các giá trị cộng đồng

- Nếu bạn có tấm lòng, lý tưởng tử tế thì sẽ làm được mọi việc như mong đợi.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm