pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đi ngược xu thế của thế giới, Việt Nam làm gì để đạt tăng trưởng 8%?

Sáng 23/5, tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia góp ý về vấn đề kinh tế - xã hội tại thảo luận tổ
Biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh
Sáng 23/5, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, các nước lớn đều dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay thấp hơn so với năm ngoái, thấp hơn so với dự báo đầu năm nhưng Việt Nam lại đi ngược lại, đặt mục tiêu tăng trưởng cao. Ban đầu dự kiến tăng trưởng 6,5% - 7% nhưng vừa qua ta đã đặt mục tiêu tăng trưởng lên trên 8% và những năm tiếp theo phải tăng trưởng 2 con số, tức ta đang đi ngược lại xu thế của các nước trên thế giới. Vậy Việt Nam làm gì để đạt mục tiêu này?
Thứ nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần phải đột phá thể chế. Thể chế vừa là nguồn lực vừa là động lực phát triển, phải tháo gỡ các điểm nghẽn, từ đó biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh.
Thứ hai, phải đẩy mạnh đột phát chiến lược về hạ tầng. Hiện tại, hạ tầng cũng đang là điểm nghẽn của chúng ta. Chi phí logistics của ta phải đến 18% trong khi trên thế giới chỉ 11%. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá.
Với giao thông, đường bộ chúng ta đang thúc đẩy hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trong năm nay.
Về đường sắt, đây là tuyến đường dung hoà hàng không và hàng hải, hàng không thì đắt còn hàng hải thì lâu, trong khi đường sắt khối lượng vận tải lớn, giá thành rẻ. Bởi vậy, theo Thủ tướng, ngoài đẩy mạnh đường sắt đô thị thì còn phải chú trọng đến đường sắt quốc tế. Vì vậy, cần nâng cấp đường sắt, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đường sắt tốc độ cao, đường sắt liên kết với Trung Quốc mà cụ thể là đường Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, rồi từ đó mở ra kết nối với Trung Quốc, từ Trung Quốc sang Trung Á rồi Châu Âu…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thảo luận tại tổ
Về giao thông thuỷ nội địa, Thủ tướng nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều lợi thế. Về hàng không và hàng hải, phải có sân bay tầm cỡ, chiến lược, phải xây dựng "cảng cho ra cảng" để các máy bay to nhất, tàu lớn nhất đều hạ cánh và cập bến được. Có như vậy mới nâng cao sức cạnh tranh và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hạ tầng về giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao đều phải phát triển.
Thứ ba, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực phải là đột phá. Chúng ta từ chỗ chỉ tập trung kiến thức đến việc phải trau dồi kỹ năng toàn diện, từ đẳng cấp quốc gia phải tiến đến đẳng cấp quốc tế, làm sao để công nhân thì phải có kỹ năng tốt, kỹ sư bác sĩ phải giỏi chuyên môn, có như thế mới góp phần tăng năng suất lao động.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc Việt Nam phải tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng và hiệu quả, không thể đi ngược với xu thế của thời đại, không thể lẽo đẽo đi theo sau mà phải "tiến cùng, bắt kịp và vượt lên", phải chủ động nâng cấp thương hiệu của nước ta.
Thứ tư, cần phải làm mới lại các động lực tăng trưởng cũ như về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng… Lĩnh vực xuất khẩu đang bị chững lại bởi vấn đề thuế quan với Mỹ nhưng phải bình tĩnh, tích cực đàm phán với Mỹ để đảm bảo lợi ích cốt lõi của chúng ta, không lo sợ hoảng hốt, không lơ là chủ quan, sẵn sàng lắng nghe, kiên trì thuyết phục. Đồng thời, Việt Nam cũng phải đa dạng hoá chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường để thoát ra khỏi bối cảnh hiện nay.
"Chúng ta phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, nghĩ sâu, làm lớn. Phân công rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, rõ thời gian", Thủ tướng nhấn mạnh phương châm Việt Nam đang đi ngược lại xu thế khó khăn của các nước trên thế giới và quyết tâm để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Tăng phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực, giảm thủ tục
Về chính quyền 2 cấp, Thủ tướng cho rằng, quan trọng nhất là việc chuyển đổi trạng thái, từ trạng thái thụ động tiếp nhận sang chủ động tích cực phục vụ người dân và doanh nghiệp, cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm việc "xin - cho" mà phải phân cấp phân quyền rõ ràng.
Cụ thể, về y tế, phải chuyển từ thụ động sang chủ động, phải chủ động chăm sóc sức khoẻ, tính mạng của người dân, trong đó có khám chữa bệnh. Muốn vậy thì củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vì đây là cơ sở y tế gần dân nhất, để đáp ứng thật tốt việc phụ vụ người dân.
Về giáo dục, phải làm sao để giáo dục được tiếp cận một cách bình đẳng. Vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, các đối tượng yếu thế được tiếp cận đầy đủ, đặc biệt phải có trường, có lớp, chú ý đến bán trú và nội trú vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Học sinh thành phố thì được học 2 buổi mỗi ngày miễn phí. Buổi thứ nhất là học kiến thức thì buổi thứ 2 là trau dồi kỹ năng.
Đặc biệt, về vấn đề tiết kiệm chống lãng phí, Thủ tướng nhắc lại những dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ do các chính sách không phù hợp. Đơn cử như lĩnh vực điện gió và mặt trời, do chính sách không tốt dẫn tới tiêu cực, ồ ạt xây dựng dự án không đúng quy hoạch, thủ tục, nên vừa rồi Chính phủ phải ban hành nghị quyết xử lý.
Hay với 2.200 dự án có tổng vốn khoảng 235 tỉ USD, chiếm tới 50% GDP, cần tập trung tháo gỡ với tinh thần không hợp thức hóa cái sai nhưng phải chấp nhận mổ xẻ đau đớn, mất tiền để có những bài học sau này.
"Ta không thể không làm vì phải chấp nhận có thất thoát, thiệt thòi để giải quyết dứt điểm và đưa nguồn lực vào phát triển. Vì vậy phải đưa ra cơ chế chính sách quyết tâm giải quyết dứt điểm, không lựa chọn phương án tối ưu nhất và không cầu toàn như cũ, mà phải chấp nhận mất mát, coi đó là học phí phải trả" - Thủ tướng nói.